Theo tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) trong cuộc họp tại TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) ngày 4-1, năm 2010 cả nước xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo. Đây là con số cao nhất từ khi Việt Nam tham gia xuất khẩu gạo trở lại; giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,2 tỷ USD, con số lớn nhất mà ngành lúa gạo đã đạt được. Có lúc giá gạo VN bằng hoặc cao hơn Thái Lan... Đó là tiền đề sáng sủa cho thị trường xuất khẩu gạo năm 2011.
Thị trường mở, cạnh tranh tăng
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2011 lượng gạo mua vào sẽ tăng. Indonesia không nhập khẩu trong 2 năm 2008 và 2009 nhưng năm 2010 và 2011 dự kiến nhập 1,5 triệu tấn/năm. Thực tế con số này có thể tăng cao hơn, góp phần làm tăng nhu cầu tiêu thụ gạo thế giới.
Thị trường Bangladesh cũng phát sinh nhu cầu. Nhiều năm qua, Việt Nam không còn xuất vào thị trường này nhưng năm 2010, Việt Nam đã xuất khẩu 400.000 tấn. Đầu năm 2011 đã ký 250.000 tấn (giao tháng 1 và 2).
Thị trường truyền thống Philippines cũng sẽ nhập khẩu gạo, có khả năng 1,5-2 triệu tấn trong năm 2011. Dự kiến Việt Nam có thể xuất khẩu 1 triệu tấn sang Philippines. Các năm trước Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) đã từng xuất khẩu 1,2 - 1,5 triệu tấn/năm. Nhưng đây là thị trường gạo cấp thấp và nhập trong 6 tháng đầu năm nên cần có đầu ra cho gạo cấp cao ngay thời điểm này.
Thị trường Malaysia với nhu cầu nhập khẩu khoảng 800.000 tấn gạo cho năm 2011. Dù hiệu quả không cao so với thị trường khác nhưng đây là thị trường tiêu thụ gạo cấp cao (5% tấm) nên cần phải tăng cường bán vào thị trường này. VFA dự kiến sẽ bán vào thị trường Malaysia khoảng 400.000 - 500.000 tấn.
Hai thị trường tập trung còn lại là Indonesia và Bangladesh với gạo trung bình 15% tấm, lượng tiêu thụ dự kiến khoảng 700.000 tấn năm 2011, hiện đã có hợp đồng tiêu thụ 450.000 tấn, sẽ là thị trường giúp VFA điều tiết giá một cách chủ động. Ngoài ra, một số thị trường mới như Mông Cổ, mặc dù với số lượng nhỏ nhưng cũng cần được quan tâm cho các năm sắp đến.
Năm 2011, Vinafood 2 cũng sẽ xuất khẩu gạo đồ, thị trường mà Thái Lan đang chiếm phần lớn thị phần. Hiện đã có nhà máy chế biến gạo đồ 500 tấn lúa/ngày, cuối năm 2011 sẽ có thêm nhà máy chế biến gạo đồ 500 tấn lúa/ngày, sau đó tăng lên 1.000 tấn lúa/ngày ở vùng Đồng Tháp Mười.
Nhưng theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, với doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, năm 2011 sẽ là năm đầy khó khăn. Vì đây là năm mà theo lộ trình cam kết gia nhập WTO, Việt Nam mở cửa thị trường gạo, công ty nước ngoài có thể vào tham gia kinh doanh và trực tiếp xuất khẩu, thay vì phải liên doanh nhập khẩu từ DN Việt Nam như trước. Lãi suất vay vốn của DN Việt Nam là 16,5%/năm, trong khi với công ty nước ngoài là 4,5%/năm.
Với tình hình này, không ít DN Việt Nam từ chỗ xuất khẩu cho đối tác, nay là đơn vị cung ứng cho đối tác. Năm 2010 có 264 DN tham gia xuất khẩu nhưng chỉ có hơn 30 DN là nhà xuất khẩu thực sự, còn lại xuất với số lượng rất nhỏ, có đơn vị chỉ xuất vài container. Do đó, sự cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo sẽ ngày càng tăng và khốc liệt.
Giảm diện tích, tăng chất lượng
Với tình hình này, vấn đề quan trọng là tập trung sản xuất tốt để có chất lượng tốt, bán có giá. Giải pháp còn lại là thu mua lúa gạo sao cho hợp lý, đảm bảo cân đối hài hòa giữa hiệu quả kinh doanh và lợi ích của bà con nông dân. Đây là vấn đề cần có sự phối hợp với các bộ ngành, địa phương nhằm có giá thành sản xuất lúa ở mức hợp lý, từ đó làm cơ sở xây dựng giá mua hợp lý cho từng vụ.
Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2011 diện tích và sản lượng lương thực đều tăng so với 2009-2010 nhưng lượng tiêu thụ cũng sẽ tăng, nhất là tiêu thụ trong nước. Vụ đông xuân, việc tiêu thụ sẽ khả quan, giá lúa sẽ tốt, không dưới 5.000 đồng/kg lúa nhưng giá thành lúa năm 2011 sẽ ở mức cao do chi phí đầu vào tăng cao do lũ thấp, không làm vệ sinh đồng ruộng, dịch bệnh phát sinh nhiều…
Về thời vụ, VFA đề nghị các địa phương nghiên cứu, giảm diện tích lúa hè thu, do đây là thời điểm mưa nhiều, chất lượng lúa không đảm bảo, cung nhiều hơn cầu trên thị trường thế giới, đồng thời cần tăng diện tích lúa thu đông để tăng chất lượng, nâng cao giá trị và lợi nhuận cho bà con nông dân.
Theo SGGP