|
Đồng USD sẽ tiếp tục rớt giá mạnh trong năm nay, do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp và vấn đề thâm hụt ngân sách của nền kinh tế đầu tàu, John Normand, chuyên gia thuộc ngân hàng JP Morgan Chase dự báo.
Theo ông Normand, trong năm 2011, so với đồng Euro, USD sẽ hạ 12% xuống 1,48 USD/Euro và mất 7% xuống 78 Yên/USD. Đồng USD đã mất giá 7% so với đồng euro và 13% so với đồng Yên Nhật trong năm 2010.
"Kinh tế Mỹ không có đủ các thông tin cần thiết để hỗ trợ đồng bạc xanh, bởi nhiều khả năng FED sẽ không nâng lãi suất cơ bản trong 12 tháng tới. Vì thế, sẽ rất ít nhà đầu tư mua trữ đồng bạc này", chuyên gia ngân hàng trên nhận xét.
Đồng quan điểm, ông Tohru Sasaki, phụ trách bộ phận lãi suất tỷ giá thuộc JP Morgan Chase, cũng cho rằng, USD có thể hạ xuống dưới ngưỡng 75 Yên/USD trong năm nay, do FED, Ngân hàng trung ương Nhật và Ngân hàng trung ương châu Âu duy trì lãi suất ở mức thấp để kích thích tăng trưởng.
Trước đó, trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân sách Thượng viện Mỹ hồi cuối tuần trước, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết ông hy vọng kinh tế Mỹ sẽ phục hồi vừa phải trong năm 2011. Theo ông, dù thất nghiệp tháng 12/2010 giảm xuống còn 9,4%, song sẽ phải mất từ 4-5 năm nữa thị trường này mới hồi phục.
Chuyến đi châu Âu của Phó thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tiếp tục là đề tài tranh luận sôi nổi của các báo, nhất là sau những tuyên bố của nhà lãnh đạo này về việc Trung Quốc sẵn sàng cứu viện châu Âu.
Hôm 9/1, ông Lý Khắc Cường đã đến Scotland cho chuyến thăm Vương quốc Anh trong bốn ngày. Hãng tin BBC bình luận, mục đích chính của chuyến thăm vẫn là giao thương và đầu tư. Như vậy cũng chẳng khác hai chặng trước tại Tây Ban Nha và Đức, nơi ông vừa rời đi với các hợp tác hoặc lời hứa nặng ký.
Trước đó, tại Đức, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường đã đạt được 11 thỏa thuận hợp tác trị giá 8,7 tỷ Euro (11,3 tỷ USD), lớn nhất trong đó là thỏa thuận trong ngành sản xuất ôtô với các đại gia Volkswagen và Mercedes-Benz danh tiếng lâu nay của Đức trị giá đến 6,2 tỷ USD.
Chuyến thăm ở Tây Ban Nha cũng được đánh giá thành công với các gói hợp tác trị giá hơn 7,5 tỷ USD. Thậm chí ngay trước ngày rời Tây Ban Nha, ông Lý còn hứa hẹn Trung Quốc sẵn sàng mua đến 6 tỷ Euro tiền nợ của nước này.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ lên đến 2.700 tỷ USD, Trung Quốc đang đóng vai “anh lính cứu hỏa” của cả thế giới. Theo giới nghiên cứu châu Âu, mục tiêu của Trung Quốc là thâm nhập vào thị trường này, chiếm lĩnh nhãn hiệu, công nghệ hay mạng lưới phân phối sản phẩm.
Hiện có vô số bằng chứng cho thấy kế hoạch lớn này, như vụ Trung Quốc muốn biến cảng lớn nhất Hy Lạp là Piraeus thành cửa ngõ để họ trung chuyển hàng hóa giá rẻ vào châu Âu, hay như gần đây công ty Xinmao mon men thôn tính hãng dây cáp viễn thông Hà Lan Draka, Geely nhắm đến Volvo của Thụy Điển…
Trong năm 2010, đầu tư của Bắc Kinh vào Liên minh châu Âu đã tăng 12%, lên 50 tỷ USD, gấp 10 lần số vốn rót vào Trung Quốc của liên minh này. Theo Cơ quan thống kê châu Âu, xuất khẩu của liên minh vào Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm ngoái khoảng 108 tỷ USD, trong khi chiều ngược lại lên đến 267 tỷ USD.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng nhận định rằng trong kế hoạch giải cứu châu Âu, Trung Quốc còn thu lợi về mặt chính trị và ngoại giao. Khi châu Âu thành “con nợ”, chắc chắn Brussels sẽ không thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ như trước trong vấn đề tăng giá đồng Nhân dân tệ.
Trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn các sản phẩm độc hại lọt vào thị trường Mỹ, hôm qua, Ủy ban An toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) thông báo sẽ mở văn phòng đại diện ở nước ngoài đầu tiên tại Trung Quốc.
Văn phòng của CPSC tại Trung Quốc sẽ được đặt tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh. Ban đầu, văn phòng sẽ chỉ có hai nhân viên làm việc. Những người này sẽ làm việc với các đối tác Trung Quốc và thông tin cho các nhà sản xuất địa phương về những tiêu chuẩn an toàn sản phẩm của Mỹ.
Inez Tenenbaum, người đứng đầu CPSC, cho biết bước đi mang tính lịch sử nói trên là nhằm giảm bớt số lượng các sản phẩm không an toàn lọt vào thị trường Mỹ, đồng thời giúp Washington dễ dàng hơn trong việc bày tỏ lo ngại với phía Trung Quốc về những vấn đề liên quan tới an toàn sản phẩm.
Bà nói: "Chúng tôi sẽ chủ động hơn chứ không chờ đợi và kêu gọi đối tác giúp đỡ chúng tôi tăng cường các tiêu chuẩn ở Mỹ, đồng thời ngăn chặn vấn đề ngay từ khi nó chưa xuất hiện. Bằng việc tích cực phòng ngừa, chúng tôi có thể giảm bớt số lượng các mặt hàng phải thu hồi, đồng thời đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, cũng như ngăn ngừa thiệt hại về doanh thu và thương hiệu của nhà sản xuất."
Bà Tenenbaum cũng cho biết việc lựa chọn Trung Quốc để mở văn phòng đại diện đầu tiên ở nước ngoài đã được tính toán vì 45% sản phẩm tiêu dùng và 90% các sản phẩm đồ chơi được bán trên thị trường Mỹ là có xuất xứ từ Trung Quốc đại lục và Đặc khu hành chính Hồng Kông.
Theo báo cáo của Cơ quan phân tích thông tin kinh tế (EIU), hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) xuyên quốc gia năm 2011 dự báo tăng khoảng 20% dẫn đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu tăng khoảng 16%, đạt 1.300 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu.
Nhận định trên dựa trên cơ sở tổng hợp các yếu tố như sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, lãi suất thấp, các tập đoàn đa quốc gia tập trung vào việc mở rộng và các thị trường đang nổi tiếp tục vững mạnh.
EIU chỉ rõ, cuộc khủng hoảng toàn cầu 2008-2009 có tác động mạnh mẽ lên dòng vốn FDI. Sau khi giảm 16,5%, xuống còn 1.770 tỷ USD trong năm 2008, FDI toàn cầu tiếp tục giảm 40% xuống còn 1.060 tỷ USD trong năm 2009.
Tổ chức này ước tính, dòng FDI toàn cầu trong năm 2010 tính theo USD chỉ tăng khoảng 4% so với năm 2009, trong đó dòng vốn chảy vào các thị trường đang nổi tăng khoảng 14%, nhưng dòng vốn vào các nước phát triển lại giảm 7%.
EIU dự báo sự phục hồi của dòng FDI toàn cầu trong năm 2011 sẽ mạnh hơn. Tận dụng mối quan hệ chặt chẽ giữa M&A xuyên biên giới và FDI toàn cầu, dự báo M&A xuyên biên giới trong năm 2011 sẽ tăng khoảng 20% dẫn đến FDI toàn cầu tăng khoảng 16%, đạt 1.300 tỷ USD, tương đương khoảng 2% GDP toàn cầu.
Theo VnEconomy
|