|
Trong vòng hai tháng qua, giá thép vật liệu tăng hơn 1/3 đang thổi bùng sức ép lạm phát trên toàn cầu, trong bối cảnh lương thực và năng lượng cũng đều tăng giá, tờ Thời báo Tài chính của Anh cho hay.
Hãng tư vấn CRU cho rằng, trận lụt lịch sử ở bang Queensland (Australia) đã làm gián đoạn nghiêm trọng hoạt động cung ứng than đá, một nguyên liệu chủ yếu trong ngành luyện thép, khiến các nhà sản xuất mặt hàng này đua nhau tích trữ hàng.
Việc đó đã đẩy giá thép cuộn tiêu chuẩn ở Mỹ tăng thêm 37% kể từ đầu tháng 11 năm ngoái lên 783 USD/tấn, mức cao nhất trong hai năm qua. Giá than cốc giao ngay hiện đang được giao dịch ở mức 350 USD/tấn, tăng 55% so với giá than giao sau ba tháng được giao dịch ở mức 225 USD/tấn cách đây vài tuần.
Quặng sắt, một nguyên liệu chủ chốt khác trong sản xuất thép, cũng đang tăng nhanh lên các mức cao kỷ lục, trong đó quặng tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc tăng 20% kể từ tháng 11/2010 lên 178,30 USD/tấn.
Tổ chức Lương-Nông Liên hợp quốc cho biết, giá thép tăng cao sẽ đổ thêm dầu vào “đám cháy” lạm phát đang bùng lên khi giá dầu thô đã ngấp nghé 100 USD/thùng, lần đầu tiên kể từ năm 2008 và giá lương thực tăng lên mức kỷ lục.
Trong khi đó, nhóm các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã đưa ra tín hiệu rằng khối này không có ý định tăng sản lượng khai thác, mặc dù giá dầu đã đạt mức gần 100 USD/thùng.
Bộ trưởng Dầu mỏ Các tiểu vương quốc Arab thống nhất Mohammed bin Dhaen al-Hamli cho biết không quan tâm về việc giá dầu đạt gần 100 USD, quan điểm này tương tự như những lời bình luận của các thành viên OPEC khác là Iran, Venezuela và Algeria.
“Dầu đang không thiếu, thị trường vẫn được cung cấp đủ” - ông Mohammed bin Dhaen al-Hamli cho biết. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết việc tăng giá dầu đang ở mức “đáng báo động”. Giá dầu thô Brent đã được giao ngày hôm qua (17/1) đạt 98 USD/thùng, gần sát kỷ lục trong 27 tháng qua.
Ông Nobuo Tanaka, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, cho biết, việc giá dầu tăng ở mức báo động sẽ dẫn đến các thiệt hại cho sự phát triển kinh tế và dẫn đến những tác động tiêu cực khác
Theo cựu chuyên gia kinh tế hàng đầu của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới Joseph Stiglitz, tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu vẫn còn kéo dài. Ông này cho rằng, mặc dù kinh tế toàn cầu đang phục hồi khả quan, nhưng tác động của cuộc khủng hoảng sẽ kéo dài 2-3 năm nữa.
Ông Joseph Stiglitz lưu ý rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế mới đây trầm trọng hơn nhiều so với dự đoán. Nền kinh tế toàn cầu kết thúc năm 2010 với sự phân chia sâu sắc hơn so với đầu năm, giữa một bên là các nền kinh tế thị trường mới nổi tăng trưởng nhanh và một bên là châu Âu và Mỹ có nguy cơ rơi vào suy thoái kép.
Trong khi đó, tổng sản phẩm kinh tế của châu Á quá nhỏ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng đủ để đẩy giá hàng hóa thế giới tăng cao. Những nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế của Mỹ hiện đang có nguy cơ phản tác dụng. Dòng tiền sẽ đổ về nơi có triển vọng nhất là châu Á, chứ không về Mỹ.
Ông Stiglitz nhận định, mối đe dọa thậm chí còn lớn hơn là làn sóng "thắt lưng buộc bụng." Sự nôn nóng thanh toán nợ của các nước có thể tiếp tục gây bất ổn định thị trường tài chính toàn cầu. Sự suy thoái nếu xảy ra ở châu Âu sẽ làm trầm trọng hơn suy thoái ở Mỹ và ngược lại.
Theo báo cáo của Cơ quan giám sát đầu tư toàn cầu (GITM) tại Hội nghị Liên hợp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD), trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực quốc gia phát triển tiếp tục giảm, thì lượng chảy vào các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển không ngừng tăng.
Năm 2010, tổng FDI toàn cầu tăng 1%, từ 1.114 tỷ USD năm 2009 lên 1.122 tỷ USD, trong đó các nền kinh tế mới nổi và chuyển tiếp chiếm hơn 50%. Tuy nhiên, GITM cũng lưu ý, mặc dù dòng FDI tiếp tục tăng trong năm 2011 nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Biến động lớn trong dòng vốn FDI hàng quý trong năm qua cho thấy sự phục hồi của dòng vốn FDI toàn cầu vẫn không ổn định và còn phải chật vật để có thể tăng trưởng bền vững.
Mặc dù lợi nhuận tái đầu tư cao có thể duy trì lợi nhuận công ty cao hơn, nhưng dòng FDI mua cổ phần, đặc biệt đầu tư vào lĩnh vực kinh tế xanh và mua bán sáp nhập công ty xuyên biên giới, vẫn yếu, tiếp tục gây biến động lớn theo quý của dòng FDI toàn cầu.
Hôm qua, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) công bố vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nước này chạm mức cao kỷ lục 105,74 tỷ USD trong năm 2010, tăng 17,4% so với năm trước.
Tính riêng trong tháng 12, Trung Quốc thu hút 14,03 tỷ USD vốn FDI, tăng 15,6% so với cùng kỳ 2009, đánh dấu tháng gia tăng thứ 17 liên tiếp kể từ tháng 08/2009.
Ông Yao Jian, người phát ngôn của MOC cho biết, FDI tăng trưởng nhanh chóng là nhờ dòng vốn chảy vào lĩnh vực dịch vụ tăng 28,6% và vào miền Trung và Tây Trung Quốc tăng 27,6% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng liên quan tới Trung Quốc, trong bài diễn văn trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã bày tỏ những lo ngại về chính sách kinh tế và tiền tệ của Trung Quốc.
Ông cho rằng, Trung Quốc nên gia tăng cạnh tranh bằng cách giảm những trợ cấp quốc gia bất công bằng cho các công ty từ tài chính, bất động sản và năng lượng, đồng thời đưa ra những chính sách khẩn cấp đối với các hành vi trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ từ các công ty nước ngoài.
Về đồng Nhân dân tệ, theo ông Geithner, tỷ lệ nâng giá hiện tại với 6%/năm – gần tới mức 10% trong các điều kiện thực tế do lạm phát của Trung Quốc cao hơn là thực tế nhưng không phù hợp. Ông tin rằng, “Trung Quốc sẽ lưu tâm tới việc cho phép đồng NDT tăng giá trị nhanh hơn”.
Theo VnEconomy
|