Trong khi các doanh nghiệp và người dân chưa hết “bàng hoàng” với việc tỷ giá vừa có điều chỉnh mạnh và giá điện sẽ tăng vào đầu tháng 3 tới thì thông tin sẽ tăng giá xăng dầu lại trở thành cú sốc tâm lý mà đối tượng ảnh hưởng trực tiếp là các doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải.
Ông Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Vận tải Hà Tiên (HOSE: HTV) cho biết, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành vận tải của công ty nên việc điều chỉnh tăng tỷ giá, điện và xăng dầu cùng lúc sẽ làm khó cho doanh nghiệp.
Việc tăng giá cước là điều không thể tránh khỏi của các doanh nghiệp vận tải. Do đó, HTV sẽ tăng giá tương ứng với mức giá mà Bộ tài chính tăng giá xăng dầu để đảm bảo cân đối thu chi. Tuy nhiên, năm 2011, HTV vẫn đặt chỉ tiêu doanh thu và sản lượng tăng khoảng 20% so với năm 2010; lợi nhuận sau thuế cũng tăng 10%. Đồng thời, công ty cũng sẽ mở rộng thêm tuyến để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.
Ông Trần Anh Minh - Phó Tổng giám đốc CTCP Ánh Dương Việt Nam (HOSE: VNS) cho rằng, việc tăng giá xăng mang yếu tố vĩ mô, nhằm bình ổn giá và mặt bằng chung cho thị trường. Tuy nhiên, động thái này không chỉ ảnh hưởng đến doanh nghiệp trong ngành vận tải mà con lan rộng ra nhiều ngành hàng khác. Chỉ có điều doanh nghiệp vận tải chịu ảnh hưởng trực tiếp, đây được xem như là thuế trực thu và doanh nghiệp phải chấp nhận thực tế.
Đến thời điểm này doanh nghiệp đã phải chịu nhiều chi phí tăng do ảnh hưởng của tỷ giá, giá điện tăng… vì thế việc tăng giá cước là xu hướng tất yếu. Nếu Bộ tài chính tăng giá xăng khoảng 3,000 đồng/lít thì cước taxi cũng phải tăng tối thiểu 1,000 đồng, đồng thời công ty cũng sẽ tính đến nhu cầu của khách hàng để có phương án cụ thể.
Ngành taxi hiện đang trong giai đoạn phát triển, nên những chính sách vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của công ty khi người dân thu hẹp chi tiêu lại. Tuy nhiên nhu cầu đi lại vẫn sẽ tăng nhưng sẽ không bằng các năm trước. Do đó, VNS vẫn sẽ phát triển mở rộng hệ thống và có thể cắt giảm các chi tiêu khác như quảng cáo, tiếp thị. Ngoài ra, bên cạnh việc tăng giá xăng mang yếu tố tiêu cực thì đây cũng là yếu tố tích cực nếu doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội cạnh tranh, giành thị phần để tạo sức bật lớn.
Trong khi đó, ông Trương Trọng Cử - Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Thuận Thảo (HOSE: GTT), doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa tại miền Trung, cho biết: “GTT vẫn chưa có động thái nào về việc tăng giá cước hàng hóa vì đang chờ thông tin chính thức từ Bộ tài chính và dĩ nhiên cũng sẽ có phương án thay đổi giá cước cụ thể bởi “nước lên, thuyền lên”.
Với các doanh nghiệp ngành vận tải biển thì áp lực càng lớn hơn, bởi chi phí nhiên liệu cả trong và ngoài nước đều đang trong xu hướng tăng cao.
Lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải biển đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho biết, việc tăng giá xăng dầu chủ yếu ảnh hưởng đến vận tải đường bộ, còn vận tải biển mua xăng dầu của nước ngoài nên đã ảnh hưởng từ trước. Ngoài ra, đối với vận tải quốc tế thì doanh nghiệp thu cước bằng USD nên việc tăng tỷ giá lại trở thành lợi thế.
Tuy nhiên, giá cước vận tải biển hiện đang tiệm cận ở mức 1,000 điểm, thấp tương đương với thời kỳ khủng hoảng 2008-2009 nên doanh nghiệp cũng không được hưởng lợi nhiều.
Như vậy, việc tăng giá xăng dầu ở thời điểm hiện nay là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh giá nhiên liệu thế giới tăng cao. Các doanh nghiệp dù ít nhiều đều chịu ảnh hưởng từ các quyết định này, và họ đều đã chuẩn bị sẵn tâm lý để chủ động “đối phó” nhảm giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất.
Theo VietStock