|
Hôm qua, Bộ Tài chính đã chính thức chấp thuận để các DN xăng dầu điều chỉnh giá bán sau một thời gian dài phải bù lỗ. Theo bộ này, việc tăng giá xăng sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bị đội thêm 0,65%.
Kể từ 24.2, các mặt hàng xăng, dầu diezel, ma-zút đều được điều chỉnh với mức tăng mạnh nhất từ trước đến nay. Cụ thể, giá bán lẻ các loại xăng tăng 2.900 đồng/lít; diezel tăng 3.550đ/lít; dầu hỏa tăng 3.100đ/lít; giá bán buôn ma-zút 3S và 3,5S tăng 2.110đ/kg.
Với mức điều chỉnh trên, giá vùng 1 các mặt hàng xăng dầu của Petrolimex cũng ngay lập tức được điều chỉnh. Xăng không chì RON 95 là 19.800đ/lít, xăng không chì RON 92 là 19.300đ/lít; diezel 0,05S là 18.300đ/lít; diezel 0,25S là 18.250đ/lít; dầu hỏa là 18.200đ/lít; ma-zút 3S là 15.100đ/kg và ma-zút 3,5S là 14.800đ/kg.
Vẫn thấp hơn các nước trong khu vực
Theo Bộ Tài chính, mức điều chỉnh trên vẫn còn thấp hơn khá nhiều so với mức DN không chịu thua lỗ.
Nguyên nhân quan trọng buộc phải tăng giá xăng, theo Bộ Tài chính trong năm 2010 do giá xăng dầu thế giới đã tăng tới 28,7%, trong khi xăng dầu trong nước được giữ bình ổn thông qua 6 lần cắt giảm thuế từ 20% xuống 0%, tương đương hơn 10.000 tỉ đồng. Đồng thời, 4 lần cho DN sử dụng Quỹ bình ổn giá để bù đắp tương đương 6.396 tỉ đồng và hiện số dư quỹ đã hết. Bên cạnh đó, việc không điều chỉnh giá xăng dầu trong một thời gian dài, khiến giá trong nước cao hơn giá các nước trong khu vực, đã dẫn tới tình trạng buôn lậu, găm giữ xăng dầu diễn ra phức tạp. Theo số liệu của Cục Quản lý giá, hiện giá xăng trong nước vẫn thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 5.100đ/lít và của Campuchia khoảng 4.200đ/lít, của Trung Quốc khoảng 3.200 đồng/lít.
|
Ngành điện đã lỗ gần 28.000 tỉ đồng
Bộ Tài chính cho biết, tính đến hết tháng 2.2010, ngành điện đã lỗ gần 28.000 tỉ, nếu giữ giá điện như hiện nay đến hết năm 2011, số lỗ này sẽ thêm khoảng hơn 29.000 tỉ đồng nữa, như thế số lỗ lũy kế của hai năm 2010 và 2011 sẽ lên tới gần 57.000 tỉ đồng, sức chịu đựng của nền kinh tế không chịu được nữa. Để ngành điện có lãi, thì phải điều chỉnh tăng giá 62% so với giá cũ, nhưng điều chỉnh như vậy quá lớn, gây sốc cho nền kinh tế. Giá điện lần này điều chỉnh lên 165 đồng/kWh, chỉ bằng 24,7% mức phải điều chỉnh. |
|
Cũng theo tính toán của cục này, với mức tăng giá xăng, dầu sẽ tác động làm tăng CPI trực tiếp vòng 1 thêm 0,65%, mức này chưa tính tác động của vòng tiếp theo cũng như yếu tố tâm lý.
Cước vận tải tăng 10%-20%
Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM kiêm Giám đốc taxi Vinasun, ông Tạ Long Hỷ cho biết, xăng chiếm đến 30% giá cước taxi nên Vinasun đang bàn việc tăng giá cước taxi với mức tăng khoảng 10%. Theo ông Đặng Đức Tiệp, Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ vận tải Đặng Tiến (vận tải container, xe tải), chỉ riêng việc tăng giá xăng dầu từ 24.2 thì cước vận tải hàng hóa phải tăng ít nhất 15% mới có thể bù đắp chi phí. Thêm vào đó, do giá các mặt hàng vật tư, phụ tùng cũng đã tăng gấp đôi từ cuối năm 2010 nên lần này dự kiến cước vận tải hàng hóa sẽ tăng 20%. Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, dự kiến sơ bộ giá cước taxi sẽ phải tăng từ 12 - 15% tùy từng loại xe, việc tăng giá sẽ thực hiện trong một hai ngày tới.
“Khả năng chi phí đầu vào của ngành vận tải sẽ tăng trên dưới 15%, người tiêu dùng phải chia sẻ với các DN, bắt buộc phải điều chỉnh giá cước”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN cho biết.
|
Xe ôm cũng tăng giá
“Trước đây, tôi đi xe ôm từ nhà trên đường Lý Thái Tổ (P.1, Q.10) đến chỗ làm ở đường Cống Quỳnh (P.Phạm Ngũ Lão, Q.1) chỉ tốn 10.000đ/chặng. Thế nhưng, lúc 10 giờ 30 ngày 25.2, tức sau khi giá xăng tăng 30 phút, anh tài xế xe ôm nhất quyết yêu cầu 15.000đ mới cho lên xe. Người xe ôm bảo lấy giá cũ sợ không đủ tiền đổ xăng” - anh Nguyễn Văn Việt, nhân viên một doanh nghiệp trên đường Cống Quỳnh, Q.1. (N.Đ.M) |
|
Đối với các phương tiện chở khách, ông Võ Thành Phú, Phó giám đốc Công ty CP vận tải Sóc Trăng cho biết, mỗi ngày đội xe buýt của công ty tiêu thụ hết 2.500 lít dầu, theo giá cũ thì hết 36.875.000đ/ngày. Với giá 18.300đ/lít số tiền sẽ là 45.750.000đ, "đội" thêm 8.875.000đ/ngày. Khó khăn của các DN vận tải là nếu tăng tương ứng thì sợ khả năng khách đi xe sẽ giảm nhiều.
Còn ông Mai Vân, chủ xe khách chất lượng cao chạy tuyến Sóc Trăng - TP.HCM băn khoăn: “Trước đây, bình quân mỗi xe của chúng tôi chạy từ Sóc Trăng đi TP.HCM (và trở về) hết 60 lít dầu, tính giá cũ thành tiền là 885.000đ, nay tăng lên 1.098.000đ, chi phí đội thêm 213.000đ.
Nhưng "sốc" nhất trước việc giá xăng dầu tăng có lẽ là các ngư dân. Hàng ngàn ngư dân ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng… khi hay tin dầu diezel đột ngột tăng giá ở mức cao đều choáng váng. Ông Nguyễn Minh Giang (P.Nhà Mát, TP Bạc Liêu) cho biết: “Với giá dầu tăng như hiện nay tàu của tôi sau 10 ngày hoạt động đánh bắt trên biển trung bình từ 5.000 - 6.000 lít/chuyến, thì phải chi thêm trên 20 triệu đồng tiền dầu”. Dầu tăng, theo đó giá điện cũng tăng đồng nghĩa với hàng loạt chi phí vật dụng khác phục vụ cho đánh bắt cũng tăng thêm khoảng 10%.
Theo TNO
|