Theo bảng xếp hạng logistics (LPI), Việt Nam xếp thứ 53 trong tổng số 155 nền kinh tế. Điều này chứng tỏ Việt Nam đang dần cải thiện một cách toàn diện việc phát triển hệ thống logistics, bao gồm kho vận, giao nhận, vận chuyển và phân phối.
Năm 2010, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan. Họ đang có những kế hoạch để khai thác những cơ hội lớn hơn tại thị trường tiềm năng này trong thời gian tới.
Ông Narin Phol, Giám đốc của Damco tại Việt Nam và Campuchia cho biết trong năm 2010, công ty đã đầu tư hai trung tâm kho vận ở TPHCM và Hà Nội và đưa vào khai thác lĩnh vực thương mại bằng đường hàng không giữa Việt Nam và các nước châu Âu cũng như Trung Quốc.
Và để tiếp tục phát triển trong năm 2011 và những năm sắp tới, Damco đang đầu tư thêm một trung tâm kho vận tổng hợp rộng 26.000 mét vuông tại Tân Vạn, Đồng Nai, và sẽ đưa vào hoạt động đầu năm sau”. (TBKTSG ngày 1/1/2011)
Còn công ty Agility Logistics thì có 17 năm kinh nghiệm cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Theo ông Mike Gildea, Tổng giám đốc Agility Logistics khu vực Đông Nam Á, trong năm tới công ty sẽ xây thêm kho bãi tại Việt Nam để khai thác cơ hội vận chuyển xuất, nhập khẩu.
Không chỉ có vậy, mới đây , Agility cũng đã chính thức mở thêm hai chi nhánh mới tại Hà Nội và Vũng Tàu cùng với văn phòng chính tại Tp HCM.
Tại Hà Nội, khách hàng sẽ được lựa chọn nhiều hình thức dịch vụ bao gồm giao nhận bằng đường hàng không, dịch vụ quá cảnh, dịch vụ trọn gói, vận chuyển qua biên giới để hỗ trợ cho ngành công nghệ cao, bán lẻ và may mặc.
Còn tại văn phòng mới ở Vũng Tàu, khách hàng sẽ được tiếp cận với các dịch vụ công nghệ cao và các hoạt động dầu mỏ khí đốt. Agility hỗ trợ hậu cần cho ngành công nghiệp dầu khí thông qua quản lý đường thương mại, hải quan, điều lệ giải phóng mặt bằng, quản lý vật liệu, quản lý giàn khoan và các giải pháp liên quan mang đến chuỗi cung ứng.
Ông Mike Gildea, CEO khu vực Đông Nam Á cho biết: “Sự phát triển này hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam và là bước đà để thiết lập mạng lưới logicstics xuyên suốt đất nước.”
Theo đánh giá của một đại diện Bộ Công Thương, trong số khoảng 900 công ty khai thác các dịch vụ liên quan đến logistics, chỉ có gần 20% doanh nghiệp nước ngoài liên doanh với các công ty trong nước để khai thác các dịch vụ này. Tuy nhiên, các liên doanh này lại chiếm thị phần khoảng 80%.
Theo Dân Trí