|
Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC, Stuart Gulliver, hôm 21/3 cho biết, tổng lượng GDP của các nền kinh tế mới nổi sẽ vượt qua nhóm các quốc gia phát triển vào năm 2050.
Theo trang tin Market Watch dẫn lời ông Gulliver, tính tới năm 2050, trong số 30 nền kinh tế hàng đầu thế giới, các quốc gia mới nổi sẽ chiếm tới 19 vị trí. Riêng Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhận định trên của ông Gulliver được đưa ra tại một diễn đàn kinh tế tổ chức tại Bắc Kinh. Chuyên gia này nhận định, sự phát triển của quốc gia đông dân nhất thế giới này sẽ dựa vào thương mại, đầu tư và tài chính.
Tổng giá trị thương mại của Trung Quốc sẽ đạt đến 6.000 tỷ Nhân dân tệ (914 tỷ USD) trong năm 2015. Phần lớn thặng dư thương mại của nước này sẽ được dùng để đầu tư ra hải ngoại, với hơn 80% ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á.
Đây là dự báo mới nhất về khả năng vượt Mỹ của nền kinh tế Trung Quốc. Trước đó, hồi đầu tháng này, tờ WSJ dẫn ý kiến của ông Takatoshi Ito, một nhà kinh tế thuộc trường Đại học Tokyo, cho rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt qua Mỹ.
Trong tác phẩm “Đánh giá chính sách kinh tế châu Á”, ông Ito viết rằng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào khoảng năm 2021-2027, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại. Một kịch bản nữa có thể xảy ra là Trung Quốc sẽ như Nhật Bản, đánh mất vị trí thứ 2, nhưng xác suất xảy ra rất thấp.
Nhà kinh tế Ito đã viết: “Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế số 1 thế giới trước năm 2027. Có vẻ như điều đó rất chắc chắn”. Nhận định của ông Ito thậm chí còn lạc quan hơn cả chuyên gia kinh tế Arvind Subramanian thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, người cho rằng, Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ vào năm 2030.
Theo ông Ito, dân số Trung Quốc gấp 4 lần Mỹ, do vậy, Trung Quốc chỉ cần mức GDP bình quân đầu người bằng 1/4 của Mỹ là mọi chuyện đã thay đổi. Hiện nay, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc bằng 1/11 của Mỹ.
Ngoài vấn đề thứ bậc kinh tế, Giám đốc điều hành HSBC còn cho rằng, việc nới lỏng các quy định về tài khoản vốn sẽ mang lại lợi ích cho việc mở rộng các hoạt động kinh doanh và đầu tư. Theo ông, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sẽ trở thành một trong ba đồng tiền chính trong thanh toán thương mại.
Trung Quốc ngày càng nỗ lực để phổ biến đồng Nhân dân tệ trong những giao dịch quốc tế. Chuyên gia kinh tế Ito từng cho rằng, Trung Quốc đã thành công trong việc biến Nhân dân tệ thành loại tiền tệ quan trọng trong khu vực. Và bây giờ, họ đang bắt đầu tìm kiếm vị thế của nó trên thị trường tài chính quốc tế.
Về việc mở cửa hệ thống ngân hàng của Trung Quốc cho các hãng nước ngoài, ông Gulliver nói rằng, tổng tài sản của các tài khoản ngân hàng ngoại quốc chỉ chiếm 1,8% tổng giá trị tài sản toàn ngành, trong khi, con số này ở Ấn Độ là 7,7% và ở Brazil là 20%.
Theo VnEconomy
|