|
Tiếp tục thực hiện các chính sách nhất quán liên quan đến thắt chặt tiền tệ và tài khóa
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của hai đầu tàu kinh tế là Hà Nội và TPHCM vừa được công bố đều phá ngưỡng 3%. Theo đó, Hà Nội tăng 3,28% và TPHCM tăng 3,16% so với tháng trước.
Tiếp tục vượt dự báo
Theo Tổng cục Thống kê, CPI của hai đầu tàu kinh tế này chiếm 30% CPI của cả nước (TPHCM chiếm 17%, Hà Nội chiếm 13%). Nếu CPI của 61 tỉnh, thành còn lại ở mức rất thấp mới hy vọng kéo CPI xuống nhưng khả năng này khó xảy ra vì việc tăng giá rải đều trong cả nước.
Trước đó, Tổ Điều hành Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) dự báo CPI tháng 4 của cả nước vào khoảng 1,6%-1,8%. Dự báo này cũng đã lường trước khả năng thị trường hàng hóa trong nước tiếp tục chịu tác động mạnh từ tăng giá dầu thô và nguyên liệu thế giới, thời tiết, dịch bệnh ảnh hưởng đến giá nông nghiệp và đặc biệt là đã tính tới tác động của tăng giá xăng, điện và tăng cầu của đợt nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương...
Tuy nhiên, dù chưa đủ cơ sở tính toán con số cụ thể nhưng một chuyên gia Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng CPI tháng 4 của cả nước rất khó ở mức dưới 2%.
Chuyên gia này cho rằng dự báo của Tổ Điều hành Thị trường trong nước đã lạc hậu so với mức tăng giá ngoài thị trường. Tác động nhiều nhất đến giá cả tháng 4 là ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu, điện và lương thực thực phẩm. Giá điện tăng hơn 15% từ ngày 1-3 nhưng đến hết tháng 4 mới phản ánh trung thực vào CPI vì thời điểm chốt số liệu tính CPI rơi vào giữa tháng.
Giá xăng dầu tăng liên tiếp 2 lần vào cuối tháng 2 và cuối tháng 3, tổng cộng tăng gần 5.000 đồng/lít xăng cũng gây sức ép lớn đến tăng giá nhiều sản phẩm. Giá lương thực tăng do miền Bắc vào thời điểm giáp hạt, sản lượng ít; miền Nam tăng mua gạo tạm trữ...
Theo quy luật, tháng 4 và tháng 5 là thời điểm giá cả dịu nhất trong năm, CPI tăng ở mức rất thấp, thậm chí thường có xu hướng giảm, nhưng năm nay ghi nhận sự trái quy luật của CPI.
Tính chung quý I năm nay, CPI đã tăng 6,12%. Nếu theo kịch bản lạc quan nhất như dự báo của Tổ Điều hành Thị trường trong nước thì CPI 4 tháng đầu năm cũng đã ở mức xấp xỉ 8%, bằng chỉ tiêu kiềm chế lạm phát của cả năm do Quốc hội đề ra. Nếu CPI tháng 4 đạt mức 3% như ước tính của nhiều chuyên gia và tổ chức nghiên cứu, CPI 4 tháng đầu năm còn vượt trên 9%.
Quyết liệt chính sách tiền tệ và tài khóa
Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình Fulbright tại Việt Nam, CPI năm 2011 không thể dưới 10%. Nếu chính sách tài khóa tiền tệ thắt chặt thì CPI cũng không thể dưới 12%, trường hợp chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng khi lạm phát có dấu hiệu đi xuống thì CPI sẽ còn tăng.
Về biện pháp chặn đà tăng CPI, các chuyên gia kinh tế cho rằng Nghị quyết 11 đã đi đúng hướng, chờ độ trễ vài tháng nữa để giá cả dịu đi. Việc kiểm soát thị trường tài chính, ngoại tệ đã bắt đầu tốt lên song phải liên tục đôn đốc để thực hiện nhất quán.
Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh nhận định: Thời gian tới, nếu tiếp tục thực hiện các chính sách nhất quán liên quan đến thắt chặt tiền tệ và chính sách tài khóa thì áp lực lạm phát sẽ giảm tương đối. Việc cắt giảm hiệu quả và đúng mức giữ vai trò rất quan trọng.
Ví dụ như cắt giảm các dự án kém hiệu quả nhưng vẫn phải đầu tư những dự án quan trọng như dự án cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục. Tương tự như vậy đối với tín dụng, phải làm thế nào để đồng tiền chạy đến nơi người sử dụng nó một cách hiệu quả nhất chứ không phải cắt đồng loạt.
Nhóm hàng thực phẩm tăng giá mạnh
Tại Hà Nội, dẫn đầu tăng giá trong tháng 4-2011 là nhóm giao thông với mức tăng kỷ lục 5,82%, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 5,06% (giá lương thực tăng 5,02% so với tháng trước, thực phẩm tăng 5,48%, các mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tăng 3,91%); nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,28%...
Tại TPHCM, tăng mạnh nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 4,56% (lương thực tăng 1,23%, thực phẩm tăng 6,19%, ăn uống ngoài gia đình tăng 3,85%); nhóm giao thông tăng 5,77%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 4,12%, nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,49%...
Giá thực phẩm tăng ở hầu hết các nhóm mặt hàng: gia súc tươi sống tăng 13,23%, gia cầm tươi sống tăng 8,24%, thịt chế biến tăng 6,34%, trứng các loại tăng 7,32%, dầu mỡ ăn tăng 8,24%, thủy hải sản tươi sống tăng 5,92%, rau các loại tăng 5,89%... |
Theo NLĐ
|