Năm 2011, ngành dệt may của các nước châu Á cụ thể là Bangladesh, Ấn Độ, Việt Nam, Campuchia và Pakistan sẽ là tâm điểm của ngành công nghiệp dệt may toàn cầu. Theo CITA, ngành dệt may của các nước này sẽ có vị thế cao hơn trong ngành công nghiệp dệt may toàn cầu vào năm 2011. Giá cả cạnh tranh và những biện pháp hỗ trợ từ chính phủ là nguyên nhân chính khiến ngành dệt may các nước này phát triển.
Một số quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan còn có lợi thế về các loại sợi tự nhiên với sản lượng ngang bằng của Trung Quốc. Ngoài ra, Ấn Độ giờ được xếp hạng là quốc gia có độ tin cậy cao về năng lực sản xuất dệt may.
Dưới đây là một số đánh giá của tạp chí ATA về triển vọng ngành dệt may tại một số nước châu Á năm 2011:
Ấn Độ - Triển khai thực hiện các sáng kiến
Nhu cầu trong nước về dệt may tại Ấn Độ có tốc độ tăng đáng kể, với việc chuyển từ phân khúc thời trang truyền thống sang phân khúc đa chủng loại. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp dệt may của Ấn Độ vẫn tiếp tục hợp tác thường xuyên với các công ty dệt may quốc tế. Đồng thời, chính phủ Ấn Độ đang thực hiện những nỗ lực nhằm thúc đẩy ngành dệt may trong nước phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may của Ấn Độ giai đoạn 2008-2009 đạt 10,17 tỷ USD. Ấn Độ là nước xuất khẩu thời trang may sẵn lớn thứ 6 trên thế giới, chiếm khoảng 2,6% thị phần toàn thế giới. Ngành dệt may Ấn Độ đóng góp khoảng 7 triệu việc làm cho người lao động; dự kiến trong hai năm 2011 và 2012 con số này sẽ vào khoảng 14 triệu. Ngành dệt may cũng đóng góp 8% vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ấn Độ hy vọng đến năm 2011-2012 xuất khẩu dệt may sẽ tăng 15% về lượng và tăng 20% về giá trị.
Thị trường dệt may nội địa tăng trưởng khá mạnh trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hàng năm (CAGR) vào khoảng 13%. Mặc dù sức tiêu thụ có suy giảm nhưng thị trường dệt may trong nước dự kiến sẽ tăng vào khoảng 9-10% trong vòng 5 năm tới. Thị trường dệt may Ấn Độ đang chuyển dần từ phân khúc thời trang truyền thống sang các phân khúc sâu hơn và rộng hơn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngoài ra, việc hợp tác giữa các công ty trong nước với các công ty quốc tế như Hugo Boss, Liz Claiborne, Diesel cũng đang được triển khai khá mạnh mẽ.
Chính phủ Ấn Độ cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy ngành dệt may trong nước phát triển chẳng hạn như đề án khu công nghiệp dệt may tổng hợp. Theo đó, 40 dự án khu công nghiệp được phê duyệt tại 9 tiểu bang với tổng kinh phí là 4.141 triệu rupee trong đó phần đóng góp của chính phủ là 1.425 triệu rupee. Sau khi hoàn thiện, 40 khu công nghiệp này sẽ nhận được khoản đầu tư 19.500 triệu rupee để vận hành và phát triển.
Bên cạnh đó còn có Chương trình phát triển kỹ năng tổng hợp, áp dụng với cả các mặt hàng đay và thủ công mỹ nghệ. Theo đó, Chính phủ Ấn Độ sẽ tiếp tục đầu tư 2.360 triệu rupee trong vòng 5 năm tới.
Ngành dệt may Ấn Độ đang tăng trưởng với tốc độ ước tính là 8%/năm và dự kiến đạt 110 tỷ đô la Mỹ vào năm 2015 trong đó kim ngạch xuất khẩu vào khoảng 45 tỷ USD. Tuy nhiên, để duy trì tốc độ tăng trưởng này, tới năm 2015 ngành dệt may Ấn Độ cần phải có khoản đầu tư khoảng 24 tỷ USD.
Bangladesh – xuất khẩu tăng trưởng mạnh chưa từng có
Được hưởng thuế suất ưu đãi đối với 757 sản phẩm dệt may xuất khẩu sang Trung Quốc, Bangladesh nhận thấy đây chính là “điểm đến” chính đối với các mặt hàng dệt may của mình. Nhật Bản cũng đang trở thành thị trường xuất khẩu “nóng” đối với mặt hàng dệt may của Bangladesh.
Ngành dệt may Bangladesh có tốc độ tăng trưởng mạnh chưa từng có trong những năm gần đây, chiếm khoảng 75% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Xuất khẩu thời trang may sẵn của nước này tăng từ 643 triệu USD vào năm 1990 lên 12 tỷ USD vào năm 2008.
Xuất khẩu hàng thời trang may sẵn của Bangladesh đang dần dần mở rộng sang Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Mỹ Latinh. Cho đến nay, Mỹ và EU vẫn là 2 nước nhập khẩu chính mặt hàng này của Bangladesh. Các nhà sản xuất thời trang may sẵn luôn đa dạng hoá các sản phẩm của họ để thâm nhập vào nhiều thị trường nước ngoài và đã thành công tại một số thị trường tiềm năng ở châu Á và Mỹ Latinh.
Trung Quốc, nhà cung cấp hàng may mặc lớn nhất thế giới, đã trở thành “điểm đến” chính của hàng dệt may Bangladesh, do các nhà sản xuất Trung Quốc không còn quan tâm tới các loại thời trang may sẵn cơ bản. Tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Bangladesh sang Trung Quốc trong năm tài khóa 2007-08 đạt 106,95 triệu USD, trong đó kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ vào khoảng 3 triệu USD.
Hiện tại, theo Hiệp định thương mại khu vực châu Á Thái Bình Dương, Bangladesh được hưởng thuế suất ưu đãi đối với 757 sản phẩm dệt may xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Trong số đó là 22 loại mặt hàng dệt kim và gần 22 loại mặt hàng len. Do đó, xuất khẩu hàng dệt kim và len sang Trung Quốc của Bangladesh có tốc độ tăng trưởng tương đối cao.
Các nhà xuất khẩu dệt may Bangladesh cũng đang tìm cách thâm nhập vào thị trường Nhật Bản và coi đây là thị trường “nóng” trong thời gian tới. Gần đây, Chính phủ Nhật Bản cũng đã mời lãnh đạo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt kim Bangladesh (BKMEA) sang để thảo luận về việc miễn thuế đối với một số mặt hàng dệt kim. Trước đó, lãnh đạo Hiệp hội cũng đã đề nghị chính phủ Nhật Bản nới lỏng quy định về nguồn gốc cho hạng mục hàng dệt kim nhập khẩu. Theo Cục xúc tiến xuất khẩu Bangladesh, xuất khẩu dệt may sang Nhật Bản duy trì tốc độ tăng trưởng vào khoảng 175% trong giai đoạn 2008-2010.
Theo Vinanet