Đi cùng niềm vui giá hàng điện tử rẻ hơn là nỗi lo nhập siêu. Khi mà các liên doanh lắp ráp bắt đầu từ bỏ sản xuất để nhập khẩu vì thuế nhập khẩu (NK) của các sản phẩm như công nghệ thông tin (IT) chỉ còn 0% từ năm 2012.
Nỗi lo nhập siêu
Lộ trình giảm thuế NK của các sản phẩm như laptop, PC, màn hình (monitor), bàn phím, ổ cứng... đã được áp dụng từ năm 2008. Đến nay các sản phẩm này chỉ còn mức thuế NK là 2%. Kể từ ngày 1.1.2012, thuế NK của các sản phẩm này đồng loạt chỉ còn 0%. Nghĩa là mua một chiếc laptop tại Singapore giá cũng bằng sản phẩm bán tại Việt Nam. Tuy nhiên, giá mua laptop tại Singapore sẽ thấp hơn một ít do nước này áp dụng thuế sử dụng (tương đương như thuế VAT của Việt Nam) là 7% trong khi Việt Nam áp dụng VAT là 10%.
Tương tự, từ năm 2012 thuế NK các sản phẩm như ti vi, máy lạnh, máy giặt từ các nước còn khoảng 25% (giảm so với mức từ 40 - 50% khi Việt Nam mới gia nhập WTO). Tuy nhiên, những sản phẩm này chủ yếu vẫn được NK từ các nước ASEAN với mức thuế NK hiện hành chỉ là 5%. Người tiêu dùng có lợi vì giá giảm, đồng thời có cơ hội tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn các sản phẩm mới, sản phẩm công nghệ cao hiện đại như nhiều thị trường khác khi nhiều hãng mạnh dạn đưa về Việt Nam nhờ thuế NK giảm xuống. Nhưng mặt trái của việc này là hàng NK sẽ tăng mạnh, góp phần nhập siêu.
Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay chúng ta đã NK 2,3 tỉ USD sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây được xem là hệ quả tất yếu khi các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được cơ hội vươn lên trong giai đoạn khi còn được bảo hộ bằng chính sách thuế trước đây. Thậm chí các liên doanh giữa những đơn vị trong nước và nước ngoài trước đây cũng đã tan rã từ khi Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đi vào giai đoạn cuối.
|
Ông Phạm Thiện Nghệ - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam - cũng cho rằng: cuộc cạnh tranh như vậy ngày càng khốc liệt, nhất là sản phẩm ứng dụng thông thường. Do đó, bản thân các doanh nghiệp IT và điện tử trong nước phải phát triển những sản phẩm chuyên dụng riêng như sản phẩm ứng dụng cho ngành y tế, ngư nghiệp,... với các giải pháp phù hợp cho thị trường Việt Nam thì mới thành công. |
|
Bỏ sản xuất, sang nhập khẩu
Đó là lo ngại của nhiều người khi thuế NK các sản phẩm công nghệ, điện tử giảm xuống 0%. Trên thực tế, đón trước việc giảm thuế theo lộ trình cam kết sẽ khiến hàng trong nước càng đuối hơn nữa, hàng loạt liên doanh lắp ráp điện tử, xe hơi rút dần khỏi sản xuất, lắp ráp chuyển sang NK.
Ban đầu là Sony ngưng lắp ráp năm 2008. Đến cuối năm 2010, Toshiba cũng tuyên bố ngưng lắp ráp tivi LCD và chuyển sang NK hoàn toàn. Đầu năm nay, đến lượt JVC VN tạm ngưng sản xuất. Điều này đã đẩy kim ngạch NK điện tử và linh kiện năm 2010 lên 5,21 tỉ USD, trong đó, hàng nhập từ Trung Quốc chiếm ưu thế với 1,68 tỉ USD, Nhật Bản là 1,03 tỉ USD, Hàn Quốc 927 triệu USD. Hàng điện tử Trung Quốc giá rẻ dự báo sẽ tiếp tục ồ ạt vào VN, khi theo lộ trình ACFTA, các mốc thuế NK sẽ giảm xuống chỉ còn 5% - 15%.
TS Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế nhận định: câu chuyện các doanh nghiệp bỏ sản xuất và quay sang NK sản phẩm, đặc biệt trong ngành điện tử đã diễn ra vài năm qua khi thuế NK ngày càng giảm và hệ quả của nó ai cũng nhìn thấy. Đó là làm giảm công ăn việc làm trong nước, góp phần làm tăng nhập siêu của Việt Nam. TS Trần Du Lịch phân tích: Đáng tiếc là nhiều chuyên gia kinh tế đã có góp ý từ lâu nhưng các bộ ngành lại không có kế hoạch gì để tận dụng cơ hội thúc đẩy phát triển công nghiệp trong nước. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay thì tất cả các ngành công nghiệp của Việt Nam đều phải gánh chịu hậu quả và sẽ trở thành gia công cho nước ngoài. “Theo tôi dù muộn còn hơn không, Chính phủ cần phải nhanh chóng có một chương trình tổng thể để tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển từ gia công sang sản xuất. Đặc biệt phải xây dựng và phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đồng thời phải có sự lựa chọn trong việc thu hút đầu tư FDI như mục đích làm gì? Vì hiện nay vốn đầu tư FDI không phải để khai thác nguồn lao động với chi phí rẻ nữa vì không còn là lợi thế cạnh tranh của Việt Nam”, TS Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Theo TNO