Chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng lên tới 25%, nay doanh nghiệp lại méo mặt vì phí thu mua ngoại tệ lên đến 2,7%. Số đông cho rằng đây là giai đoạn khó khăn đỉnh điểm, nếu không được tháo gỡ sẽ khó vượt quá.
Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu 6 tháng đầu năm do Bộ Công Thương tổ chức ngày 6/7, Phó chủ tịch Hiệp hội mỹ nghệ chế biến gỗ TP HCM Trần Quốc Mạnh cho hay áp lực lãi suất cao đang đổ lên đầu doanh nghiệp. Gỗ là mặt hàng có tỷ trọng tăng trưởng thấp khoảng 15% và trong khoảng 5 năm trở lại đây, càng chậm lại. Ngành chế biến gỗ khó khăn đến đỉnh điểm do phí đầu vào cao, đặc biệt lãi suất khủng lên đến 25% làm khả năng cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp giảm sút.
“Có thể nói ngành gỗ chưa bao giờ phải chịu lãi suất cao đến vậy. Chưa kịp giải bài toán lãi suất, chúng tôi lại phải căng thẳng lo một số dòng gỗ xuất khẩu vào Mỹ có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá”, ông Mạnh lo lắng.
Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép cho hay, thị trường tiêu thụ thép trong nước đang ngày một thu hẹp. Trong khi tháng 4, lượng thép tiêu thụ là 439.000 tấn thì đến tháng 6, con số này giảm xuống chỉ còn 270.000 tấn. Theo ông Nghi, thắt chặt tín dụng là cần thiết song cần có trọng điểm nếu không sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp. Lãi suất cần dần dần hạ từng bước nếu không các công ty có quy mô vừa và nhỏ sẽ khó sống.
Theo lãnh đạo Hiệp hội Thép, lãi suất tăng cao, nay ngành thép lại đang có nguy cơ bị đánh thuế từ 1% đến 3% tùy chủng loại do tiêu thụ điện nhiều là không thỏa đáng. Bởi thực tế, tiền điện trong sản xuất phôi chỉ chiếm 5% giá thành còn cán thép chiếm 0,7%.
“Tình hình trong nước khó khăn, công suất thép đang dư thừa, trong khi ngành thép đang hăng hái tìm thị trường nay lại bị áp thuế và lãi suất cao sẽ làm nhà đầu tư trong nước có nguy cơ chết yểu”, ông Nghi lo lắng.
Cùng chung nỗi lo trên, bà Nguyễn Thị Tòng, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày cho rằng, chi phí đầu vào tăng khiến doanh nghiệp chật vật và đặc biệt khó khăn trong việc thu hút lao động. Lãi suất đã cao, doanh nghiệp còn “méo mặt” vì mức phí quá cao của ngân hàng. “Phí giao dịch khi mua và bán ngoại tệ từ ngân hàng lên tới 2,7% là con số quá lớn. Chúng tôi đề nghị mức phí này phải được ngân hàng hạ bớt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu”, bà Tòng kiến nghị.
Bà Đặng Thị Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may chia sẻ, mặc dù xuất khẩu đạt 6,1 tỷ đôla, tăng 28,4% so với cùng kỳ song doanh nghiệp vẫn lo lắng vì giá bông đang giảm. Giá bông từ tháng 2-3 đạt 5 đôla mỗi kg bất ngờ giảm xuống còn 3,7 đôla vào tháng 6. Giá hạ nên doanh nghiệp không dám bán khiến lượng sợi bị tồn kho lớn, cộng thêm lãi suất tăng cao khiến doanh nghiệp sống dở chết dở. Đến kỳ phải trả lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp không biết xoay sở thế nào vì hàng còn đang chất đống trong kho chưa xuất được. “Đầu vào đầu ra còn khó khăn nên doanh nghiệp không dám nhận thêm đơn đặt hàng. Ngoài ra, dệt may còn gặp khó trong việc thu hút lao động vì mức lương trả cho công nhân chưa cao”, bà Dung nói.
Đứng ở phía đơn vị cho vay, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước giải thích, ngân hàng tập trung vốn cho vay sản xuất kinh doanh đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực phát triển nông thôn. Để chống lạm phát thì ngân hàng buộc phải tăng lãi suất, tuy nhiên đến nay Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất trong phạm vi hợp lý và thực tế lãi suất đến thời điểm này đã giảm hơn so với trước.
Về vấn đề phí mua ngoại tệ, bà Hạnh khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện biên độ tỷ giá khi mua bán ngoại tệ là 1%. “Phát hiện tổ chức tín dụng nào vi phạm, doanh nghiệp cần báo cáo đích danh để chúng tôi có phương án xử lý”, bà Hạnh nói.
Ông Nguyễn Viết Mạnh, Phó tổng giám đốc ngân hàng Công Thương cho biết, phía Viettin Bank đã đưa ra áp dụng đề án hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn là do không đủ điều kiện. Chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đã lên tới hơn 13% và lãi suất không thể thấp hơn con số này. Nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu được ngân hàng ưu ái hơn các lĩnh vực khác. Viettinbank đang cho vay xuất nhập khẩu với lãi suất 17,5% trong khi thị trường là 19,5%. “Doanh nghiệp phải có bạn hàng, vốn tốt thì ngân hàng mới ưu tiên lãi suất. Bởi nếu cho vay dưới chuẩn, ngân hàng chết thì kéo theo hàng loạt doanh nghiệp phá sản.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, xu hướng giá cả trong nước và thế giới trong quý một tăng mạnh thì nay đã chững lại, thậm chí một số mặt hàng giảm. Cụ thể dầu thô vọt lên 100 USD mỗi thùng thì nay đã giảm xuống còn 90 USD. Lãi suất lớn sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp xuất khẩu. Lãi suất cao, giá cả một số mặt hàng tămg mạnh trong quý một đến nay đã giảm nên doanh nghiệp gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Lãi suất gây áp lực cho doanh nghiệp không thể đầu tư theo chiều sâu mà chỉ trong ngắn hạn. Do đó, các ngân hàng quốc doanh cần ưu tiên phục vụ cho xuất khẩu.
Theo VnExpress