|
"Do Thái Lan là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới nên sẽ có 2 sự lựa chọn: Một là, nhà nhập khẩu phải chấp nhận giá cao để mua được hàng. Hai là, Thái Lan sẽ không bán được gạo với giá cao, phải giữ tồn kho như vậy sẽ làm hạn chế cung cấp trên thị trường thế giới từ 1-2 triệu tấn gạo trong năm 2012. Cả hai sự lựa chọn này đều thúc đẩy giá gạo tăng vượt mức, các bên tham gia thị trường có lẽ phải "nín thở” để chờ xem diễn biến sắp tới tại Thái Lan như thế nào”. Đó là nhận định của ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA).
Cơ hội và thách thức cho gạo Việt Nam
Theo VFA, tính chung trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo đạt 4,619 triệu tấn, tăng 16,72% về lượng và tăng 26,07% về trị giá so với cùng kỳ năm 2010. Giá xuất khẩu bình quân đạt 473,37 USD/tấn; tăng 35,11 USD/tấn so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, trong tuần cuối tháng 7, giá gạo Việt Nam tăng do ảnh hưởng tâm lý từ thị trường Thái Lan (tăng 50 – 70 USD/tấn).
Dự báo từ nay đến cuối năm, giá lúa gạo trong nước nói riêng và trên thế giới sẽ tiếp tục tăng cao. Trường hợp giá lúa gạo tăng mạnh sẽ tác động mạnh đến xuất khẩu lúa gạo trong nước vì Việt Nam là một nguồn cung cấp lớn sau Thái Lan. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA phân tích, dự kiến trong thời gian tới, giá gạo trắng Thái Lan sẽ tăng lên mức 850 USD/tấn, gạo thơm sẽ tăng lên 1.400 USD/tấn. Hiện nay, một số nhà xuất khẩu gạo tại Thái Lan đã tìm nguồn cung cấp khác, trong đó có Việt Nam để thay thế gạo Thái, đáp ứng nhu cầu của các khách hàng truyền thống. Trước tình hình trên, không ít công ty xuất nhập khẩu nông sản cho rằng, đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với Việt Nam vì bên cạnh cơ hội mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao giá bán sẽ có nhiều rủi ro do thị trường biến động thường xuyên, giá tăng cao ngoài dự kiến. Nhất là nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn không kịp chuẩn bị hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký. Ngoài ra, do khả năng xuất khẩu của Việt Nam có hạn, nếu xuất khẩu vượt mức cân đối và giá lên quá cao sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng trong nước.
Theo dự báo, trong thời gian tới, khu vực Châu Á có khả năng nhập thêm gạo. Đơn cử, Indonesia sẽ nhập thêm trong quý 4, Malaysia nhập tiếp theo nhu cầu bình thường các năm, Philippin cũng phải nhập tiếp nếu tồn kho xuống thấp và bị ảnh hưởng mùa mưa bão sắp tới làm sản lượng sút giảm. Bộ Công thương cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần rất thận trọng để không vượt qua giá gạo Thái nếu không sẽ mất lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là khi đang đàm phán với Indonesia.
Gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo
Bộ Công thương cho biết, tính đến ngày 4-8-2011, Bộ đã xem xét và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho 39 DN và 4 thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu gạo theo giấy chứng nhận đầu tư đã được cấp. Dự kiến, đến tháng 10 sẽ có khoảng 80 DN được cấp giấy chứng nhận này. Mặc dù, theo dự kiến số DN xuất khẩu gạo đủ điều kiện sẽ tăng cao nhưng không ít DN và thương nhân trong nước bày tỏ lo lắng. Được biết, trong khi doanh nghiệp Việt Nam đang hồi hộp chờ đợi động thái của Chính phủ mới Thái Lan thì các doanh nghiệp trong nước lại phải lo lắng và có phần bế tắc từ Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 4-11-2010 của Chính phủ. Theo quy định của Nghị định 109, thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện sẽ không được tham gia xuất khẩu gạo. Trước quy định của Nghị định 109, đại diện Công ty lương thực thực phẩm Kiên Giang bức xúc: "Quy định như trên chưa sát với thực tế và gây khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu vì có rất nhiều doanh nghiệp có cơ sở xay xát, sấy và kho chứa không liền kề với nhau nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả chế biến, vận chuyển. Nhưng những doanh nghiệp này vẫn không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo vì thẩm định cơ sở nhà xưởng không đạt yêu cầu khép kín (?)”.
Trả lời thắc mắc của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định, do số lượng các DN xuất khẩu sẽ tăng cao cho nên không ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu gạo của các DN từ nay đến cuối năm. Mà khó khăn trước mắt của DN hiện nay là hợp đồng còn của tháng trước rất lớn và hợp đồng phải ký trong những tháng tiếp theo cũng rất lớn. Cụ thể, số hợp đồng đăng ký đến ngày 31-7 là 6,183 triệu tấn, tăng 14,12% so với cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, lượng tồn kho trong DN hiện nay thấp hơn số lượng hợp đồng chưa giao hàng, với khoảng hơn 1,3 triệu tấn nhưng vụ hè thu không còn nhiều mà nhu cầu xuất khẩu lại tiếp tục tăng. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, các DN phải thận trọng khi bán ra thị trường, còn gạo trong kho thì mới tiếp tục bán ra, nếu hết thì nên ngừng bán.
Theo Tinkinhte.com
|