|
Với kết quả phiên giao dịch đêm qua (29/8), câu hỏi trên không quá khó để trả lời. Chứng khoán đang trở nên hấp dẫn hơn, khi thông tin tích cực về chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ trong tháng 7 đã xoa dịu những lo lắng về triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hôm qua, các thị trường hàng hóa đón nhận thông tin lạc quan về chi tiêu tiêu dùng, vốn chiếm 70% GDP của Mỹ, đã tăng mạnh 0,8% trong tháng 7, vượt xa mức 0,1% trong tháng liền trước. Đây được coi là tín hiệu tốt về kinh tế Mỹ.
"Vài tháng qua, giới đầu tư đặc biệt quan tâm với vấn đề chi tiêu dùng, do vậy bất cứ sự khởi sắc nào cũng là có lợi cho nền kinh tế và thị trường", Brian Lazorishak, một chuyên gia thuộc hãng tư vấn đầu tư Chase ở Charlottesville, Virginia, cho hay.
Tuần trước, trong bài phát biểu ở Wyoming, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã lạc quan về chiều hướng tiếp tục phục hồi của nền kinh tế Mỹ, dựa trên nền tảng sức mạnh nội tại và từ hiệu quả hai cú huých tài chính (QE1 và QE2) mà FED đã tung ra.
Chủ tịch FED, ông Ben Bernanke, cũng một lần nữa khẳng định quyết tâm của FED duy trì tỷ lệ lãi suất của các khoản vay liên bang ở mức "thấp chưa từng có" 0 - 0,25% như hiện nay ít nhất đến giữa năm 2013.
Lãnh đạo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ thừa nhận việc hạ thấp tín dụng của Mỹ mới đây có làm giảm đôi chút lòng tin của giới đầu tư, nhưng hy vọng tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong năm nay vẫn được duy trì ở mức dưới 2%.
Ông Bernanke tuyên bố, không nhất thiết phải đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích tài chính thứ 3 (QE3). Song, ông "để ngỏ cửa" cho khả năng FED sẽ có các hành động tiếp theo trong cuộc họp tháng 9 tới.
Đánh giá về bài phát biểu của ông Bernanke, Giám đốc điều hành hãng quản lý tài sản Templeton, ông Mark Mobius cho rằng, “rõ ràng ông Bernanke sẽ không thể chứng kiến sự suy giảm của kinh tế mà không có biện pháp hỗ trợ. Chúng ta sẽ không rơi vào suy thoái”.
Thông tin này đã giúp thị trường chứng khoán và vàng cùng đi lên trong phiên cuối tuần, bởi cách suy luận khác nhau về QE3. Tuy nhiên, kết quả đêm qua (29/8) cho thấy, cho dù không có QE3, thì sự phục hồi của kinh tế cũng có tác dụng thúc đẩy chứng khoán đi lên.
Trên thị trường chứng khoán, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 2,26%, lên 11.539,25 điểm. Chỉ số S&P 500 nhảy 2,83% lên 1.210,08 điểm. Chỉ số Nasdaq vọt lên mạnh hơn 3,32%, chốt ở mức 2.562,11 điểm.
Trong khi trên thị trường kim loại quý, giá vàng giao tháng 12 giảm 5,7 USD, tương ứng 0,3%, xuống còn 1.791,60 USD/ounce trên sàn Comex ở New York. Mức thấp nhất của vàng loại này trong ngày là 1.781,20 USD/ounce.
Giá vàng giao ngay giảm mạnh hơn, tới 2,2%, xuống còn 1.787,35 USD/ounce. Phiên giao dịch ngày 29/8 khá dữ dội đối với vàng loại này. Vàng giao ngay đã giảm giá khá mạnh trong ngày trước khi bình ổn vào cuối phiên.
Giá vàng tăng nóng và kéo dài trong thời gian qua là do kinh tế Mỹ và châu Âu quá yếu kém, dẫn tới những nghi ngại về khả năng xảy ra một cuộc suy thoái mới ở các khu vực này, từ đó kéo theo một khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Hôm 27/8, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo rằng các rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang ngày một gia tăng và những diễn biến trong mùa hè qua đã cho thấy kinh tế thế giới hiện rơi vào "một giai đoạn mới đầy nguy hiểm"
Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Kansas, bang Wyoming (Mỹ), bà Lagarde cảnh báo những nguy cơ toàn cầu khiến sự hồi phục kinh tế mong manh đã bị trệch hướng, do đó "chúng ta cần phải hành động ngay".
"Hành động quyết đoán sẽ thúc đẩy niềm tin, yêu tố thiết để khôi phục và tái cân bằng tăng trưởng toàn cầu... Chúng ta biết cần phải thực hiện điều gì để hỗ trợ tăng trưởng, cắt giảm nợ và ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai", bà nói
Ngoài ra, bà Lagarde cũng khẳng định rằng thế giới cần có cách tiếp cận mới để thực thi một kế hoạch toàn diện theo hướng phối hợp toàn cầu dựa trên hành động chính trị mạnh dạn.
Trước bà Lagarde, giữa tháng 8, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Robert Zoellick cũng cho rằng, thế giới sẽ phải đối mặt với một giai đoạn mới "nguy hiểm hơn" với rất ít "chỗ thở" tại hầu hết các nền kinh tế phát triển, trong bối cảnh nợ công châu Âu tiếp tục hoành hành.
Theo ông Zoellick, các vấn đề nợ công tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đáng lo ngại hơn cả những vấn đề trung và dài hạn tại Mỹ. Ông khẳng định thế giới đang ở giai đoạn đầu của một cơn bão mới, không giống như năm 2008.
Trong hai tuần trước đó, thế giới đã đi từ giai đoạn phục hồi không đồng đều, trong đó các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng cao, trong khi các thị trường phát triển vẫn phải vật lộn với những khó khăn, sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn.
Ông Zoellick cho rằng mặc dù người dân ít bị nợ nần hơn so với giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và những diễn biến hiện nay không có yếu tố "gây sốc bất ngờ" tương tự, song lần này khả năng xử lý đã "eo hẹp" hơn.
Cùng quan điểm này, trong báo cáo đưa ra hồi đầu tháng 8, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) cảnh báo hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới trong và ngoài câu lạc bộ 34 nước giàu nhất thế giới này đều đứng trước nguy cơ suy thoái kép.
Chỉ số kinh tế tổng hợp về hoạt động kinh tế của 34 nước thành viên OECD đều giảm từ 102,5 trong tháng 5 xuống 102,2 trong tháng 6, cho thấy tăng trưởng kinh tế của các nước này đã chậm lại.
Trong số các nền kinh tế phát triển, các dấu hiệu trì trệ trong tăng trưởng kinh tế đã xuất hiện ở Canada, Pháp, Đức, Italy và Anh. Trong số các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi, các dấu hiệu tăng trưởng chậm đã xuất hiện ở Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
So với các chỉ số kinh tế tháng 7, các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại cũng bắt đầu xuất hiện ở Mỹ, Nhật Bản và Nga. Các chỉ số hàng đầu về tăng trưởng ở Mỹ đã giảm từ 103,3 xuống 103,1 và ở Nhật Bản giảm từ 103,8 xuống 103,6.
Những nhận định và đánh giá đầy bi quan này đã phủ bóng tối lên các thị trường hàng hóa, đẩy nhà đầu tư vào trạng thái bất an. Sự tháo chạy trên các sàn chứng khoán đã diễn ra và cuộc chạy đua vào vàng đã khiến mặt hàng này tăng giá dữ dội.
Tuy nhiên, thông tin hôm qua về kinh tế Mỹ đã xoa dịu phần nào những lo lắng này. Thêm vào đó, một thông tin đáng chú ý khác từ châu Âu cũng góp phần nới lỏng ngòi nổ quả bom sợ hãi về khủng hoảng ở lục địa già.
Hôm qua, hai ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba của Hy Lạp, Eurobank và Alpha Bank, đã tuyên bố sẽ sáp nhập thành một ngân hàng mới có tên là AlphaEurobank với vốn điều lệ tăng lên 3,9 tỷ Euro (tương đương 5,7 tỷ USD).
Trong một thông báo chung, hai ngân hàng này cho biết Hội đồng Quản trị của Alpha Bank và Eurobank đã nhất trí sáp nhập với tỷ lệ cổ phần nắm giữ tương ứng là 57,5% và 42,5%. Ngay lập tức, các thị trường chứng khoán Âu - Mỹ đã phản ứng tích cực.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp Evangelos Venizelos cho rằng, vụ sáp nhập của hai ngân hàng này là "bước phát triển tích cực", minh chứng cho sự năng động và triển vọng của hệ thống ngân hàng Hy Lạp cũng như gửi đi thông điệp tin cậy đến các đối tác nước ngoài.
Còn theo giới phân tích, thương vụ này đã củng cố một số ngân hàng yếu ớt trong khu vực và giảm bớt những nguy cơ làm bùng trở lại "đống lửa" khủng hoảng nợ công châu Âu đang cháy âm ỉ - điều vốn dĩ có thể dẫn tới một cuộc khủng hoảng hệ thống tài chính trên phạm vi toàn cầu.
Theo Vneconomy
|