Theo yêu cầu của Chính phủ, vừa qua Bộ KH-ĐT đã có báo cáo về tình hình, nguyên nhân lạm phát và những giải pháp chủ yếu cần thực hiện trong thời gian tới. Với báo cáo này, lạm phát tại Việt Nam đã được nhận diện một cách “tỏ tường”.
Cung tiền tăng
Theo báo cáo này, trong gần 5 năm qua, chỉ trừ năm 2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 so với tháng 12 năm trước tăng 6,5%, còn các năm khác đều tăng trên 10%/năm. So sánh với các nước, lạm phát của nước ta cao hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới.
Báo cáo này cũng đã chỉ ra những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến CPI cao ngất ngưởng trong những năm qua, trong đó, nguyên nhân về tiền tệ, tín dụng được “chỉ mặt điểm tên” đầu tiên. Cụ thể, Bộ KH-ĐT cho rằng, cung tiền trong những năm vừa qua có sự nới lỏng quá mức là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở nước ta. Nếu như năm 2000, tỷ lệ cung tiền trên GDP của Việt Nam chỉ ở mức dưới 60% thì đến cuối năm 2010 đã lên đến trên 130% GDP (tổng dư nợ tín dụng trên 110% GDP). Cung tiền của Việt Nam khá nhanh so với các nước trong khu vực. Tốc độ tăng cung tiền cao hơn tốc độ tăng GDP theo giá thực tế trong thời gian dài. Tốc độ tăng trưởng tiền tệ là 43,7%, tín dụng là 53,9% vào năm 2007, mức tăng kỷ lục này là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra lạm phát cao vào năm 2008. Đến năm 2009, tình hình cung tiền quá mức nêu trên lại lặp lại dẫn đến lạm phát năm 2010 và 2011 lại bị đẩy lên cao.
Ngoài nguyên nhân chính nêu trên, báo cáo của Bộ KH-ĐT cũng chỉ ra hàng loạt các nguyên nhân khác gây lạm phát cao, trong đó có chi phí sản xuất tăng, tài khóa…
Cơ cấu kinh tế, cơ cấu và hiệu quả đầu tư cũng đẩy lạm phát lên cao. Báo cáo Bộ KH-ĐT nhận định, đây chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến bất ổn định các cân đối vĩ mô và đẩy lạm phát tăng cao trong thời gian vừa qua. Những yếu kém trong nội tại nền kinh tế đó là: cơ cấu kinh tế, cơ cấu đầu tư bất hợp lý và kém hiệu quả kéo dài, tích tụ trong nhiều thời kỳ, chưa được đổi mới. Nền kinh tế phát triển theo chiều rộng và dựa nhiều vào tăng vốn đầu tư; công nghệ lạc hậu, năng suất thấp. Cơ cấu nền kinh tế giữa các ngành, lĩnh vực chậm được chuyển đổi; sản xuất trong nước chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng gia công kéo dài quá lâu, công nghiệp phụ trợ chậm phát triển, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu dựa vào nguyên vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài...
Ngoài ra, hệ thống doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, hệ thống ngân hàng phát triển nhanh nhưng chưa bền vững, tài chính không minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
6 giải pháp
Từ thực trạng này, Chính phủ thống nhất cao các giải pháp kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ. Thứ hai, tăng cường công tác quản lý giá cả phù hợp với cơ chế thị trường. Thực hiện quản lý nhà nước về giá đối với một số hàng hóa, dịch vụ độc quyền phù hợp với cơ chế thị trường và nguyên tắc của hội nhập kinh tế quốc tế bằng các biện pháp giám sát thị trường, kiểm soát chi phí, áp thuế. Thứ ba, tái cơ cấu nền kinh tế gắn bó chặt chẽ với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thứ tư, tạo động lực từ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Thứ năm, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước. Thứ sáu, tăng cường công tác phân tích, dự báo tình hình thế giới, khắc phục triệt để nguyên nhân lạm phát do yếu tố tâm lý.
Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2011 là kiềm chế bằng được lạm phát ở mức 18% và kéo xuống dưới 10% trong các năm tiếp theo để đến năm 2015 kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 5%.
Theo SGGP