|
Tại cuộc họp với các DN hôm qua, VFA cho biết giá gạo vẫn không tăng cao như dự báo ban đầu trước tình hình lũ lụt và hỗ trợ giá của Thái Lan - nước được xem là tác động đến “nồi cơm” thế giới.
Bất ngờ
Tại buổi họp ngày 4.11 ở TPHCM, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) cho biết, yếu tố chính tạo áp lực để thay đổi thị trường là chương trình can thiệp tăng giá gạo của Thái Lan, nhưng giá đã không tăng cao như dự báo ban đầu. Hiện giá gạo xuất khẩu bình quân đang ở mức 517-530USD/tấn.
Một trong những lý do, theo một công bố mới của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) trước đó (ngày 3.11.2011) tồn kho toàn cầu vẫn dồi dào và thu hoạch mới đang đến ở nhiều nước Châu Á. Mặt khác, Ấn Độ (dự trữ hơn 54 triệu tấn ngũ cốc), kể cả Pakistan tham gia xuất khẩu trở lại, đủ khả năng bù vào khoảng trống do Thái Lan để lại, nhất là gạo đồ và gạo 5% tấm. Vì vậy, các trận lũ lụt gần đây và tình hình lũ lụt tại Thái Lan - quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới - không ảnh hưởng nhiều đến thị trường thế giới.
Những nguyên nhân trên khiến khiến nhu cầu gạo từ Việt Nam - nước xuất khẩu lớn thứ hai sau Thái Lan - bị sụt giảm cả về lượng và giá. Theo VFA, do giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao đã không cạnh tranh được với Ấn Độ tại nhiều thị trường xa như Châu Phi. Hiện xuất khẩu gạo Việt Nam chỉ tập trung cho các hợp đồng xuất khẩu đáp ứng thị trường gần, chủ yếu hợp đồng tập trung thị trường Malaysia và Indonesia.
Đến thời điểm này, Việt Nam đã xuất khẩu 6,319 triệu tấn gạo - tăng 8,4% về lượng và tăng gần 24% về trị giá. Hợp đồng đã ký đến nay đạt gần 7 triệu tấn. Với con số này, theo VFA, lượng gạo xuất khẩu năm 2011 tăng không nhiều so với 2010, nhưng giá trị lại tăng mạnh, chủ yếu do tỉ lệ gạo chất lượng cao, gạo thơm và chất lượng trung bình của Việt Nam ngày càng nhiều, gạo chất lượng thấp giảm dần. Điều này giúp cho giá xuất bình quân tăng thêm 60,56USD/tấn. Như vậy, nếu theo cách tính (giá CIF) của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt 4 tỉ USD.
Cần ngừa trước mọi tình huống
Trao đổi với PV, một DN xuất khẩu gạo lớn phía bắc thì dự đoán khác: “Tôi tin là sẽ tăng hơn giá hiện tại. Thái Lan là nước dẫn đầu xuất khẩu gạo, nhiều năm qua tác động lớn đến thị trường. Tôi theo dõi rất sát, được biết thì ít nhất cũng khoảng 1,6 triệu hécta lúa của Thái bị ngập, có thể mất trắng khoảng 6 triệu tấn lúa trong vụ lúa chính. Nhận định của Reuters, với chính sách can thiệp đó cộng với thiệt hại do lũ, sẽ khiến cho giá gạo xuất khẩu của Thái Lan có thể tăng đến 34% trong thời gian tới. Còn Hiệp hội các Nhà xuất khẩu gạo Thái Lan thì nói: xuất khẩu gạo của nước này sẽ giảm 50% trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1.2012, nên giá sẽ không dừng lại!”.
Cũng bởi nhận định này, vị lãnh đạo DN xuất khẩu gạo cho rằng, VFA và Bộ Công Thương cần có giải pháp nhanh chóng để bình ổn giá gạo trong nước, bởi giá xuất lên tất yếu giá gạo nội địa sẽ leo thang theo, trong bối cảnh cuối năm, sẽ khó lường biến động thị trường.
Về phần mình, VFA cho rằng một thời gian nữa, diễn biến thị trường sẽ rõ ràng hơn. FAO ngày 3.11 cũng cảnh báo, dù không ảnh hưởng nhiều từ Thái Lan, nhưng giá lương thực vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái và rất bất ổn. Vậy nên VFA khuyến cáo các DN không nên chủ quan với thị trường Ấn Độ, Pakistan và kể cả Thái Lan; chỉ nên ký hợp đồng khi đảm bảo được chân hàng tối thiểu 50% và tăng mua vào vụ thu - đông.
Theo Lao Động
|