Năm 2011, suy giảm kinh tế
thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu là những thách thức cho xuất khẩu của
Việt Nam. Tuy vậy, các thương vụ Việt Nam tại EU đã nỗ lực sát cánh hỗ trợ
doanh nghiệp vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng XK tại thị trường
trọng điểm này.
Nhiều thách thức
Theo Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), EU với 27 nước là thị
trường rộng lớn, đa dạng, có nhiều triển vọng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam
nhưng cũng hết sức khắt khe. Đặc biệt trong năm 2010 và 2011, thời kỳ khó khăn
của các nước EU với tình hình kinh tế tăng trưởng chậm, tỷ lệ thất nghiệp cao,
nhiều vấn đề xã hội nảy sinh…
EU vừa bước vào giai đoạn phục hồi sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu lại
đối mặt với khủng hoảng nợ công ở một số nước thành viên và nợ công của khu vực
Eurozone có thể lên tới 87,9 % GDP trong năm 2011.
Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp tại EU vẫn ở mức cao với con số 9,5%, 8
tháng đầu năm 2011. Tăng trưởng kinh tế của khu vực này cũng đang trong tình
trạng trì trệ, tăng trưởng GDP năm 2011 ước chỉ đạt 1,7%, lạm phát tính tới
tháng 9/2011 là 3.3%/năm.
Ngoài những khó khăn kinh tế nói trên, EU vốn là một thị trường khắt khe
với các tiêu chuẩn cao và chính sách bảo hộ sản xuất nội khối. Đặc biệt, năm
2011 và những năm tiếp theo Ủy ban châu Âu sẽ tiếp tục ban hành một số quy định
trong lĩnh vực thương mại theo hướng siết chặt hơn ưu đãi của EU dành cho các
nước đang phát triển; gắn ưu đãi với việc thực thi các công ước quốc tế về nhân
quyền, lao động, môi trường và quản lý công; tăng cường khả năng dự báo, minh
bạch và ổn định của hệ thống pháp luật; củng cố và tăng cường các biện pháp
nhằm bảo đảm cạnh tranh, bảo vệ người tiêu dùng…
Tất cả những yếu tố trên đã tác động bất lợi đến hoạt động trao đổi
thương mại của các đối tác với khu vực EU, gây ảnh hưởng không nhỏ đến các đối
tác xuất khẩu vào khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Vẫn tăng trưởng
Trong bối cảnh kể trên, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tiếp tục duy trì
được tăng trưởng tốt. Năm 2010, xuất khẩu của Việt Nam sang sang EU đạt 11,4 tỷ
USD, tăng 21,4%. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường trọng điểm
của EU nói chung đều tăng khá cao: Đức đạt 2,37 tỷ USD (25,8%), Anh đạt 1,68 tỷ
USD (26,5%), Pháp đạt khoảng 1,1 tỷ USD (tăng 35,4%), Hà Lan đạt 1,69 tỷ USD
(26,5%)...
9 tháng năm 2011, kim ngạch xuất khẩu sang châu Âu tiếp tục tăng trưởng
với tốc độ cao, đạt khoảng 13,7 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2010.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường này đã có sự thay đổi,
trong đó, điện thoại các loại, linh kiện đã vươn lên giữ vị trí số 1, với kim
ngạch đạt 2,07 tỷ USD, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ. Đứng thứ 2 là dệt may,
đạt 2 tỷ USD (tăng 44,4%), tiếp theo là giày dép (1,89 tỷ USD, tăng 7,8%), cà
phê (920 triệu USD, tăng 64,6%)...
Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng khác cũng tăng khá: Máy vi tính, sản
phẩm điện tử đạt 577 triệu USD (tăng 42,0%), túi xách, vali đạt 333 triệu USD
(tăng 24,8%), máy móc, thiết bị đạt 290 triệu USD (tăng 70,2%), hạt điều đạt
285 triệu USD (tăng 40,7%), hạt tiêu đạt 193 triệu USD (60,1%)...
Với các kết quả nói trên, dự kiến năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang
châu Âu có thể đạt khoảng 18,9 tỷ USD, tăng gần 25,4% so với năm 2010.
Lực đẩy từ thương vụ
EU là thị trường phát triển, giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp rất
thuận lợi nhưng vai trò của thương vụ là rất lớn, đặc biệt là các công việc
có”giá trị gia tăng” như tư vấn. Trong đó, các công tác xúc tiến thương mại, thu
thập thông tin thị trường, pháp lý của nước sở tại, qua đó đưa ra giải pháp kịp
thời giúp doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội tăng cường xuất khẩu được Bộ
Công Thương và các thương vụ tại EU hết sức quan tâm.
Các Thương vụ tại EU có đội ngũ cán bộ năng động, có trình độ chuyên môn
sâu, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng phân tích đánh giá cao, được đào tạo phù hợp
với công tác chuyên môn. Nhờ đó, chất lượng thông tin và tư vấn cho doanh
nghiệp rất cao, giúp doanh nghiệp “đánh đúng và trúng” thị trường.
Các thương vụ tại EU đã dự báo chính xác nhiều nguy cơ và nhận định
những tác động xấu có thể xảy ra với xuất khẩu của Việt Nam. Các Thương vụ đã
tổ chức tốt công tác nghiên cứu, cập nhật về chính sách, pháp luật, quy tắc vệ
sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng... của từng nước hoặc khu vực
kinh tế EU và phổ biến rộng rãi đến cơ quan quản lý nhà nước và các doanh
nghiệp Việt Nam.
Một trong những hoạt động nổi bật là việc các thương vụ hỗ trợ xây dựng
và thực hiện Đề án đưa hàng Việt Nam trực tiếp vào các chuỗi siêu thị lớn ở
châu Âu, giúp hàng Việt khẳng định được vị thế trên thị trường EU.
Kết nối đối tác để hợp tác đầu tư sản xuất cũng ghi nhận những kết quả
tốt. Các thương vụ đã góp sức lớn để mời doanh nghiệp EU hoặc doanh nghiệp Việt
kiều hợp tác đầu tư để sản xuất hàng hóa xuất ngược sang EU. Các thương vụ đã
chủ động và kịp thời cung cấp thông tin để doanh nghiệp EU thấy rõ hơn những cơ
hội kinh doanh ở Việt Nam. Thương vụ tại Italia đã biên dịch tài liệu “Kinh
doanh tại Việt Nam” và cơ sở dữ liệu những doanh nghiệp tiêu biểu của 30 ngành
hàng bằng tiếng Italia để quảng bá trực tiếp tới cộng đồng kinh doanh Italia,
ngược lại dữ liệu doanh nghiệp thuộc 20 ngành hàng tiềm năng của Italia để cung
cấp cho doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, công tác tổ chức và hỗ trợ các đoàn xúc tiến thương mại của
Việt Nam sang EU và doanh nghiệp EU sang Việt Nam tìm hiểu thị trường và bạn
hàng cũng đã được các thương vụ thực hiện rất hiệu quả.
Các hoạt động kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ giải đáp, cung cấp thông tin
dựa trên nhu cầu, đề nghị cụ thể về tìm kiếm đối tác của từng doanh nghiệp hai
bên đã được các Thương vụ quan tâm đáp ứng triệt để, có chất lượng và uy tín
cao. Các thương vụ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong giải quyết các khiếu nại,
vướng mắc, bất đồng, tranh chấp trong các giao dịch thương mại tại Italia, Séc,
Rumani, Ba Lan…
Với vai trò người mở đường và định hướng, các thương vụ tại EU đã hoàn
thành xuất sắc nhiệm vụ, cùng các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững và mở rộng thị
trường cho hàng Việt tại EU.
Theo BaoMoi