Lãi suất chống lạm phát, ổn định tỷ giá, loại bỏ những doanh
nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả, thậm chí góp phần… tái cơ cấu ngân hàng.
Lãi suất đang thu về mình quá nhiều “công trạng”, nhưng ở
phía bên kia là cái giá phải trả: sản xuất đình đốn, việc làm ít được tạo thêm
và tốc độ tăng CPI vẫn kiên trì kháng cự!
Hết “sóng”, khó làm ăn!
Nếu ở thời điểm này năm ngoái là dịp để bộ phận buôn bán
ngoại tệ ở các ngân hàng và giới đầu cơ thị trường tự do tạo “sóng” kiếm lời từ
sự thất thường của tỷ giá thì năm nay, việc làm ăn thật khó khăn.
Trưởng phòng kinh doanh ngoại tệ một ngân hàng thương mại Nhà
nước cho biết: “Năm nay, ngân hàng tôi khoán chỉ tiêu rất cao, tình hình tỷ giá
lại xuống nhanh. Không có “sóng” thì làm ăn sao được!”.
Lời phân trần trên không phải không có lý khi xét về tổng
quan trong ngắn hạn, điều hành tỷ giá đang nhuốm một màu hồng. Tại cuộc họp báo
ngày 11/1/2012, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình tính toán rằng:
năm 2012, do Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách giảm tổng cầu theo Nghị
quyết 11 nên nhập siêu sẽ được kiểm soát ở mức thấp.
Mặt khác, cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là tiêu dùng
nên đà tăng kim ngạch vẫn được duy trì mặc dù nhu cầu nhập khẩu ở các nước sụt
giảm. Chưa kể, các khoản nợ nước ngoài đến hạn vẫn trong tầm kiểm soát nên tỷ
giá không phải là vấn đề lớn trong năm 2012. “Nếu loại trừ một số yếu tố bất ổn
ngoài dự kiến như vàng, dầu thô, biến động chính trị khu vực thì mức biến động
tỷ giá của năm này chỉ trong khoảng 2% - 3%”, Thống đốc nói.
Còn trên thực tế thì sao? Qua theo dõi tỷ giá niêm yết của
Vietcombank, mặc dù chưa đến mức “rơi tuột” nhưng trong gần 10 ngày có niêm
yết, xu hướng giảm rất rõ nét. Cụ thể, giá mua vào - bán ra (VND/USD) trong các
ngày: 7/2: 20.920 - 20.990; 8/2: 20.885 - 21.035; 9/2: 20.860 - 20.930; 10/2:
20.860 - 20.930; 13/2: 20.810 - 20.880; 14/2: 20.820 - 20.890; 15/2: 20.810 -
20.870; 16/2: 20.800 - 20.860; 17/2: 20.800 - 20.860.
Tại sao tỷ giá cặp tiền VND/USD lại có sự diễn biến thuận
chiều như trên? Theo giới phân tích, ngoài lý do “vĩ mô” như phân tích của
Thống đốc thì một yếu tố mang tính kỹ thuật đến từ việc điều hành lãi suất đóng
một vai trò rất quan trọng. Đó là, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục làm khan tiền
đồng sau gần một năm ròng theo đuổi cách làm này, để một công đôi việc: chống
lạm phát và ổn định tỷ giá.
Ai cũng biết, khi thực thi thắt chặt tiền tệ, nhà điều hành
phải thu hẹp quy mô cung tiền và tăng các loại lãi suất điều hành. Nhờ đó, tốc
độ tăng lạm phát đã được hạ nhiệt đáng kể. Nếu như trong quý 3 và 4 của 2011,
mỗi tháng CPI tăng khoảng 3% thì đến hết tháng 1/2012, tốc độ tăng của CPI chỉ
1%. Đó là điều đáng ghi nhận, dù so với cùng kỳ, CPI tháng này vẫn tăng tới
17,27% so với cùng kỳ năm 2011.
Đối với tỷ giá, khi tiền đồng khan hiếm, trong điều kiện mọi
giao dịch kinh tế bắt buộc dùng VND, đã ép những ai đang nắm giữ ngoại tệ phải
bán ra. Tất nhiên, nhà điều hành đã mở sẵn cho họ một cánh cửa “chênh lệch lãi
suất” giữa USD và VND.
Với lãi suất tiền gửi VND 14%/năm, trong khi lãi suất USD
trung dài hạn chỉ 4% - 5%, cộng với mục tiêu điều hành tỷ giá VND giảm giá
khoảng 2% - 3% thì cũng chỉ tối đa là 8%, rõ ràng nắm giữ VND đang thực sự có
lợi hơn.
Đánh đổi?
Có thể nói, trong chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước
hiện nay, lãi suất VND chính là một yếu tố được coi gần như chiếc chìa khóa để
giải quyết hai vấn đề cam go nhất là lạm phát và tỷ giá.
Không phải ngẫu nhiên mà nhà điều hành đưa ra một loạt động
thái quan trọng được lượng hóa thành những con số: tổng mức tăng M2 cả năm 2012
không quá 14%, tổng tín dụng tăng không quá 15% - 17%, dư nợ đối với những tài
sản có độ rủi ro cao (bất động sản, tiêu dùng, chứng khoán) không quá 16%. Với
tất cả những yếu tố đó, có thể nói, Ngân hàng Nhà nước đang dần trả lại vị thế
giá trị cho VND.
Nhưng, cái giá mà nhà điều hành phải trả ở đây, chính là mong
mỏi giảm lãi suất khó trở thành hiện thực, như thể chúng là hai mặt của một
đồng xu. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi cách đây một tháng, Thống đốc
Nguyễn Văn Bình nói thẳng: “Mong muốn giảm lãi suất từ nay đến hết tháng 6/2012
là điều không tưởng!”.
Vậy, nên hiểu như thế nào trước tuyên bố giảm lãi suất của
một số ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, VietinBank và sắp tới là
Agribank? Đầu tiên, giữa tháng 12 năm ngoái, BIDV tuyên bố giảm lãi suất một số
gói tín dụng xuống 14,5%/năm - 15,5%/năm cho tài trợ hàng xuất khẩu, nông
nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Mới đây, từ 16/2, Vietcombank điều chỉnh lãi suất cho vay
thấp nhất là 14,5%/năm đối với khách hàng xuất khẩu thanh toán qua Vietcombank,
cho vay “tam nông” và doanh nghiệp vừa và nhỏ ở mức 15%/năm.
Một ngân hàng khác là VietinBank cũng “thập thò” giảm lãi
suất với một số đối tượng: sản xuất kinh doanh: 16,5%, tiêu dùng: 17%, xuất
khẩu: 15,8%; tam nông: 16%, doanh nghiệp vừa và nhỏ: 16,5%, tín dụng quốc tế:
15,5%. Còn với Agribank, cũng đang thăm dò để giảm lãi suất nhưng chưa công bố
chính thức.
Điểm đáng lưu ý là cả ba ông lớn tuyên bố hạ lãi suất nhưng
không không định lượng quy mô từng gói tín dụng trong giới hạn hạ lãi suất là
bao nhiêu như SHB hay LienVietPostBank đã làm trước đó. Điều này khiến nhiều
người đặt vấn đề: việc giảm lãi suất về hình thức chỉ là “xức nước hoa” lên
thương hiệu và vì thế, xu hướng giảm lãi suất chưa thể bộc lộ rõ nét.
Theo công bố của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2012 tăng 1%
so với tháng trước và tăng 17,27% so với cùng kỳ năm 2011. Có vẻ như Ngân hàng
Nhà nước đã thành công trong việc chấp nhận lãi suất cao để giữ bình yên cho tỷ
giá nhưng với lạm phát, kết quả lại không như mong muốn, trong khi đó, ròng rã
gần một năm liền, Ngân hàng Nhà nước thực thi thắt chặt tiền tệ, duy trì lãi
suất cao ngất ngưởng.
Lãi suất đang cõng trên lưng mình quá nhiều mục tiêu: vừa ổn
định tỷ giá, vừa chống lạm phát; thậm chí, còn góp phần phơi lưng những ngân
hàng yếu kém để dọn đường cho một phần của câu chuyện tái cơ cấu và ở một phương
diện nào đó, là rào cản loại bỏ những doanh nghiệp làm ăn thiếu hiệu quả; trong
khi đó, lại muốn chúng ở mức thấp hơn nữa so với thực tế để phục hồi sản xuất
là điều không tưởng.
Rất nhiều chuyên gia cho rằng, công cụ lãi suất đang bị lạm
dụng. Chấp nhận lãi suất cao để chống lạm phát chỉ có giá trị trong ngắn hạn,
còn nếu duy trì quá lâu, câu hỏi về phục hồi sản xuất và tạo thêm việc làm cho
hàng triệu lao động sẽ không hoàn toàn dễ giải thích.
Theo INFOTV