Nhắc tới chợ đầu
mối, người ta hay nghĩ đó là chợ của “thức đêm, ngủ ngày” nhưng tại TP.HCM bây
giờ, chợ đầu mối phải thức cả đêm lẫn ngày để bán cho bằng hết hàng... ế.
Hơn 6g sáng, khu
vực bán rau củ tại chợ đầu mối Hóc Môn vẫn nhộn nhịp những tiếng rao bán xổ,
bán rẻ, bán hết hàng với giá gốc. Chị Hòa, ngồi bên cạnh đống củ cải cao quá
đầu, than thở: “Chợ ế quá chú ạ, sáng rồi mà hàng bán chưa được bao nhiêu”.
Ngay bên cạnh, một tiểu thương khác nằm ngủ ngon lành, trong khi khách lẻ vẫn
đang vạch từng sọt củ cải của bà để lựa mua.
Các tiểu thương cho
biết từng hi vọng rau củ sẽ đắt hàng vào những ngày ăn chay, nhưng sau rằm, rau
ế vẫn đầy ắp chợ. Bắp cải, cà rốt đã rớt giá từ 8.000 đồng/kg buổi đêm xuống
còn 5.000 đồng/kg mà người đi chợ vẫn dửng dưng. Tương tự, dưa leo tụt từ 10.000
đồng xuống còn 7.000 đồng/kg, nhưng nhiều sạp vẫn còn đầy hàng. Các mặt hàng
tồn đọng nhiều như cải thảo, xà lách Đà Lạt, bắp cải... giá thậm chí xuống còn
5.000-7.000 đồng/kg mà vẫn không hút khách. Để thu hồi vốn, một số chủ sạp liên
tục hối thúc nhân công đưa rau, củ lên xe đẩy bán rải rác khắp chợ. Chủ sạp
Sang Thu nói: “Chợ như thế này có khi phải bán đến trưa, thậm chí đến chiều mới
mong hết”.
Theo nhiều chủ sạp,
thời gian gần đây chợ thường họp kéo dài tới 8g-9g sáng, thậm chí đến chiều để
xổ hàng cho hết. Khách đến mua hàng ban ngày chủ yếu từ các chợ, người dân mua
lẻ và tiểu thương từ các tỉnh đổ về. Bà Nguyễn Thị Hà (khu phố 4, P.Trung Mỹ
Tây, Q.12) mua được 3kg cải thảo với giá rẻ nói: “Gần đây thấy một số sạp chịu
bán lẻ hàng, chợ lại ngay gần nhà nên tôi qua đây lựa, rau tươi mà giá lại khá
rẻ”.
Tại khu vực bán
trái cây, mới 5g sáng, nhiều sạp phải hạ giá đồng loạt 2.000-3.000 đồng/kg
nhiều mặt hàng chín như bưởi, quýt, cam, xoài... để tránh hàng tồn hư hại. Đến
7g, tại khu vực này vẫn còn khá nhiều sọt cam, quýt, nho đầy ụ đóng gói sẵn chờ
người đến mua.
Ghi nhận tại chợ
đầu mối Thủ Đức, Bình Điền (Q.8) tình trạng ế ẩm cũng diễn ra thường xuyên. Tại
các chợ này bình thường đến 10g vẫn còn nhiều sạp rao bán rau, cá các loại với
giá rẻ để kết thúc phiên. Người mua chủ yếu tại chợ này vào buổi sáng vẫn là
các nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học... đợi tới cuối phiên giá rẻ hơn các
chợ lẻ mới vào mua hàng về chế biến.
Dạo một vòng quanh
các chợ lẻ như Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình), Tân Định (Q.1)... giá các loại rau củ
chỉ cao hơn tại các chợ đầu mối 1.000-2.000 đồng/kg nhưng đến cuối buổi chiều
rau vẫn còn chất đầy sạp mà không mấy người mua. Chị Mai, bán rau tại chợ Tân
Bình, than thở: “2g-3g sáng đã phải lọ mọ đi lấy hàng ngoài chợ đầu mối, người mua
không có, giá không tăng nổi nên ngày nào cũng lo hàng ế”.
Đại diện ban quản
lý chợ Bình Điền cho biết gần sáu tháng nay sức mua kém, trong khi nguồn hàng
dồi dào khiến nhiều tiểu thương thường xuyên rơi vào tình trạng tồn ứ hàng,
phải bán tới sáng, thậm chí tới trưa.
Bà Nguyễn Thanh Hà,
phó giám đốc chợ Thủ Đức, cho biết sau đợt điều chỉnh giá nhiều mặt hàng như
điện, gas, thị trường nông sản cũng biến đổi theo chiều hướng đi xuống. Cụ thể,
sức mua giảm trong khi lượng hàng về bằng hoặc cao hơn cùng kỳ năm trước dẫn
tới việc tiểu thương bị tồn đọng hàng nhiều phải bán tới 11g trưa hôm sau mới
kết thúc phiên.
Theo TTO