Kế hoạch khống chế khí thải hàng không của châu Âu đang vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ nhiều nước.
Vốn dĩ, Hệ thống mua bán khí thải (ETS) được châu Âu xây dựng như một phần trong chương trình thực hiện Nghị định thư Kyoto nhằm hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Theo kế hoạch, từ năm 2012, ETS sẽ được áp dụng cho tất cả các lĩnh vực, bao gồm ngành hàng không. Như thế, các hãng hàng không phải tốn thêm khoản phí để mua chỉ tiêu khí thải khi hoạt động tại châu Âu.
Mới đây, hãng Hong Kong Airlines dọa tạm ngưng đơn hàng mua 10 máy bay Airbus A-380 trị giá 3,8 tỉ USD để phản đối kế hoạch ETS. Trước đó, Bloomberg trích dẫn thông báo của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 6.2 ra lệnh cấm các hãng hàng không nước này tham gia ETS. CAAC cho rằng ETS trái với các quy định về hàng không dân dụng quốc tế cũng như hiệp định khung của LHQ. Thêm vào đó, CAAC cũng cấm cả việc sử dụng ETS như một lý do tăng giá vé máy bay. Bloomberg trích dẫn tuyên bố của CAAC cho rằng các hãng hàng không của Trung Quốc mất khoản chi phí “mua khí thải” lên đến 127 triệu USD trong năm 2012 khi tham gia ETS nên giá vé sẽ tăng theo.
Phản ứng trước quyết định ngày 6.2 của Bắc Kinh, ông Markus Ederer, Đại sứ EU tại Trung Quốc, nói Brussels hy vọng sẽ giải quyết bất đồng thông qua đàm phán hoặc bí bách lắm sẽ đưa ra tòa án quốc tế. Trong khi đó, Bloomberg dẫn lời quan chức cấp cao của Hiệp hội Vận tải hàng không Trung Quốc nói: “Tôi tin rằng các bên sẽ thương lượng để tìm ra giải pháp chung. Tôi thật không dám tưởng tượng nỗi khi trường hợp xấu nhất xảy ra, như việc máy bay Trung Quốc không được hạ cánh tại châu Âu”. Nếu căng thẳng kéo dài và EU quyết cứng rắn trong vụ tranh chấp lần này thì các hãng hàng không Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Đó là vì thị trường châu Âu đang đóng vai trò rất lớn đối với các hãng hàng không nước này. Điển hình như hãng hàng không China Southern của Trung Quốc đã gặt hái 11% doanh thu trong nửa đầu năm ngoái từ thị trường châu Âu.
Ngày 9.2, Reuters trích dẫn nghiên cứu do Thomson Reuters thực hiện cho rằng Kế hoạch mua bán khí thải do châu Âu đề xuất sẽ khiến các hãng hàng không tốn 505 triệu euro (khoảng 670 triệu USD). Vì thế, không riêng gì Trung Quốc, nhiều nước khác như Mỹ, Nga, Ấn Độ... cũng kịch liệt phản đối kế hoạch trên.
Cuối năm ngoái, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật cấm các hãng hàng không nước này tham gia kế hoạch trên. Bloomberg trích dẫn một nghiên cứu ước tính ETS có thể khiến các hãng hàng không Mỹ tiêu tốn 3,1 tỉ USD từ năm 2012 - 2020. Nhiều hiệp hội hàng không cũng phản đối vì e ngại chi phí bị đẩy lên cao giữa bối cảnh kinh tế khó khăn. Các nước phản đối kịch liệt đến mức chính phủ Đức vừa kêu gọi Hội đồng châu Âu cần nhanh chóng đàm phán để tránh bùng nổ một cuộc chiến thương mại.
Theo TNO