“Khủng hoảng là hệ quả tất yếu sau một kỳ tăng trưởng nóng và dấu hiệu tốt cho thấy một sức sống mới sắp bắt đầu. Các doanh nghiệp cần phải coi khủng hoảng như là một cơ hội để thay đổi và chơi lại ván cờ”. Đây là chia sẻ được TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế gia trưởng, Giám đốc nghiên cứu Quỹ Dragon Capital đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Cơ hội và thách thức hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu” do ĐH Quốc gia Hà Nội phối hợp với Đại học FPT tổ chức sáng ngày 24-3-2012 tại TP.HCM.
Theo TS. Lê Anh Tuấn, hiện nay lạm phát theo năm đang bắt đầu đi xuống và dự đoán sẽ giảm đến mức một con số vào quý II năm 2012; tăng trưởng GDP sẽ chạm đáy vào quý III năm 2012 và bắt đầu phục hồi.
Cùng với đó, Chính phủ đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế một cách mạnh mẽ. Hai lần tái cấu trúc trước vào các năm 1986 và 1999 tập trung vào nông nghiệp và luật doanh nghiệp đều tạo ra bước ngoặt trong chuyển biến kinh tế xã hội. Lần tái cấu trúc thứ 3 này tập trung vào tài chính trong đó trọng tâm là hệ thống ngân hàng theo hướng hợp nhất các ngân hàng nhỏ và yếu, tạo điều kiện cho các ngân hàng kinh doanh phát triển tốt.
Với tiến độ như hiện nay, một thời gian nữa, việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng giai đoạn 1 sẽ hoàn tất, giải quyết tốt vấn đề thanh khoản của những ngân hàng yếu kém. Sau khi hoàn thành tái cơ cấu giai đoạn 1, Ngân hàng Nhà nước sẽ bơm tiền vào các ngân hàng lớn, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể lạc quan hơn.
TS. Lê Anh Tuấn cho rằng đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp đánh giá lại bộ máy hoạt động, tập trung vào những lĩnh vực mình thế mạnh và tìm kiếm những cơ hội đầu tư mới đang mở ra. Khủng hoảng được coi là biện pháp đào thải hiệu quả để loại bỏ một số phần tử yếu kém, lạc hậu và chỉ những gì thực sự khỏe mạnh mới có thể tồn tại. Tuy nhiên hiện nay không phải doanh nghiệp nào cũng biết tận dụng cơ hội sau khủng hoảng.
Thanh Long