|
Bản báo cáo việc làm đáng thất vọng của Mỹ đã trở thành nguyên nhân chính khiến các thị trường hàng hóa biến động trái chiều trong phiên 19/4. Nhiều chuyên gia cho rằng, báo cáo này cho thấy kinh tế Mỹ chưa phục hồi ổn định, thậm chí có dấu hiệu đi xuống.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố đầu ngày, số người xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 14/4 giảm 2.000 xuống còn 386.000 người, nhưng cao hơn so với dự báo 370.000 của 47 nhà kinh tế trong cuộc điều tra của hãng tin Bloomberg. Đây là dấu hiệu cho thấy sự phục hồi trên mảng việc làm đang chững lại.
Dầu thô giảm giá
Chốt phiên giao dịch 19/4, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 5 trên sàn New York giảm nhẹ 40 cent, tương ứng 0,4%, xuống còn 102,27 USD/thùng. Đây là giá thấp nhất kể từ phiên 10/4. Chuyên gia Matt Smith của hãng năng lượng Summit cho rằng, vẫn còn hy vọng về nhu cầu tiêu thụ dầu song chưa đủ để thúc đẩy nhà đầu tư tăng mua vào.
Một lý do khác khiến giá dầu giảm trong ngày là chỉ số sản xuất tại khu vực Philadelphia trong tháng 4 tăng với nhịp độ chậm hơn so với tháng liền trước. Ngoài ra, doanh số nhà chờ bán trong tháng 3 hạ 2,6%, cao hơn dự báo và việc đồng USD tăng nhẹ cũng tác động không ít tới kết quả giao dịch hàng hóa, trong đó có mặt hàng dầu thô.
Mặt hàng khí tự nhiên chốt phiên đêm qua giảm 4 cent, tương ứng 2,3%, xuống còn 1,907 USD/ triệu BTU. Đây là mức chốt thấp nhất của mặt hàng năng lượng này kể từ cuối tháng 9/2001 cho tới nay. Kể từ mức cao kỷ lục 15,38 USD/ triệu BTU xác lập hồi tháng 12/2005, cho tới nay, giá khí tự nhiên đã trượt giảm mạnh tới 88%.
Cùng đi xuống với dầu thô và khí tự nhiên trong ngày 19/4 còn có mặt hàng xăng. Kết thúc phiên này, giá xăng giao tháng 5 giảm 5 cent, tương ứng 1,5%, xuống đóng cửa ở mức 3,15 USD trên mỗi gallon. Trong khi, dầu sưởi giao cùng kỳ hạn lội ngược dòng khi tăng được 1 cent lên mức 3,125 USD/gallon.
Vàng tăng giá nhẹ
Cũng xuất phát từ lý do kinh tế Mỹ đi xuống, giá vàng giao sau tại New York tăng nhẹ 2,6 USD, tương ứng 0,1%, lên 1.641,80 USD/ounce. Trước đó, được lợi nhờ tin đồn Pháp có khả năng bị hạ bậc tín nhiệm, thị trường vàng cố gắng bứt phá qua vùng 1.650 USD/ounce, nhưng cuối cùng thì nỗ lực này cũng không thành công.
Trong khi đó, trên thị trường giao ngay, giá kim loại quý này tiếp tục giảm phiên thứ 5 liên tiếp. Chốt phiên, vàng giao ngay giảm 0,2% xuống còn 1.638,8 USD/ounce. Đầu phiên, giá vàng giao ngay đã tăng mạnh gần 20 USD lên tới 1.655,2 USD/ounce nhưng sau đó đã giảm mạnh. Sau 5 phiên vừa qua, giá vàng loại này đã bốc hơi 2%.
Phiên giao dịch liền trước, giá vàng giao sau đã giảm khá mạnh 0,7% do lực mua từ châu Á suy yếu. Sự đi xuống này cũng phản ánh được tâm lý coi vàng là một kênh đầu tư trú ẩn an toàn đã không còn chiếm ưu thế trên thị trường và dẫn tới nhiều dự đoán cho rằng mức giá có thể còn chìm sâu xuống dưới vùng 1.600 USD trên mỗi ounce.
Cùng đi lên với vàng, trong phiên giao dịch ngày 19/4, giá bạc giao tháng 5 tăng được 27 cent, tương ứng 0,9%, lên 31,76 USD/ounce. Trong khi giá đồng giao cùng kỳ hạn giảm chưa tới 1 cent, tương ứng 0,2%, xuống đóng cửa ở mức 3,62 USD/lb.
Cacao tiếp tục giảm
Trên thị trường nông sản, chốt phiên giao dịch 19/4, giá cacao kỳ hạn giảm thêm 23 USD, tương ứng 1,02%, xuống còn 2.234 USD/tấn. Giá đường thô thế giới cũng trượt giảm 1,03% xuống chốt phiên ở mức 21,77 cent/lb. Ngược dòng, giá cà phê arabica loại hợp đồng giao sau tăng nhẹ 0,37% lên mức 175,65 cent/lb.
Giá đậu tương tăng 0,21% lên mức 1.424 cent/bushel. Giá ngô nhích nhẹ 0,08% lên mức 612,5 cent/bushel. Giá yến mạch tăng 0,31% lên 326,75 cent/bushel. Trong khi, giá gạo chưa xay, xát trên sàn CBOT giảm nhẹ 0,1% xuống còn 15,58 USD/cwt.
Theo VnEconomy
|