|
Hàng chục năm nay, trong tất cả các báo cáo về đầu tư công đều nêu “phải đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng dàn trải”, nhưng hầu như chẳng ngành, địa phương nào chấp hành và không ai bị kỷ luật, không ai chịu trách nhiệm. Giờ đây rất mừng là người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư - tham mưu trưởng của nền kinh tế - đã tuyên bố có thuốc “đặc trị” chữa “bệnh” này.
Cụ thể là các quy định: Nâng cao trách nhiệm cấp quyết định đầu tư, người phê duyệt đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính cần thiết và lo bố trí đủ vốn cho dự án. Đồng thời, Chính phủ không giao vốn từng năm, từng dự án như cũ mà sẽ giao cả gói, theo kế hoạch trung hạn cho các bộ, các tỉnh, thành phố. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương “liệu cơm gắp mắm”, “xem giỏ bỏ thóc” để quyết định đầu tư theo thứ tự ưu tiên do mình xác định. Theo những người đề xướng giải pháp nói trên, cách giao một cục vốn cho cả nhiệm kỳ của lãnh đạo ngành, địa phương sẽ hạn chế tình trạng chạy dự án và nếu tùy tiện đầu tư dàn trải sẽ bị “cháy túi”, không thể kêu ai, trách ai...
Song một số ý kiến phản biện cũng bày tỏ sự lo lắng: Cái gốc của đầu tư dàn trải là quan niệm mỗi tỉnh, thành phố như một “nền kinh tế” riêng và tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm vẫn còn nặng nề, nên rất khó thực hiện các yêu cầu đầu tư tập trung, dứt điểm. Mặt khác, cách “khoán” vốn đầu tư triệt để cho các ngành, địa phương, nghĩa là trao toàn quyền cho lãnh đạo cấp này, nếu thiếu chế tài kiểm soát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh sai phạm thì không loại trừ sẽ xảy ra đầu tư lãng phí, thất thoát, kém hiệu quả như một số chủ tịch, tổng giám đốc tập đoàn kinh tế đã từng mắc phải, khi sự việc vỡ lở bị mất cán bộ, mất luôn cả vốn lẫn tiền...
Mọi nỗ lực khắc phục đầu tư dàn trải đều rất đáng trân trọng, vì tác hại của nó quá lớn. Song bất cứ một giải pháp nào, dù hay nhất, vẫn khó tránh khỏi một số lỗ hổng hoặc hệ lụy tiêu cực. Trách nhiệm của cơ quan tham mưu là phải lường trước và đề xuất các quy định ngăn chặn, phòng ngừa. Không để lặp lại bài học về quản lý vốn tại các tập đoàn kinh tế: trao toàn quyền cho doanh nghiệp nhưng không có chế tài kiểm soát, giám sát đi kèm, nên khi tập đoàn vi phạm quy định về đầu tư, các cơ quan quản lý nhà nước đều cho mình “vô can”.
Trong quân sự, cơ quan tham mưu chịu trách nhiệm xây dựng các phương án tác chiến trình chỉ huy quyết định. Phương án sáng tạo, phù hợp thực tế chiến trường, sẽ góp phần quyết định vào thắng lợi chung. Trường hợp ngược lại, có thể dẫn đến thất bại, lúc đó những người lính trận thường gọi người của cơ quan này là mấy ông “thua mưu”. Vận điều này vào lĩnh vực kinh tế, cơ quan tham mưu cần chịu trách nhiệm đến cùng đối với thành công hay chưa thành công của một chính sách, một giải pháp do chính mình đề xuất, ở đây không có chuyện “vô can”.
Theo Giao Thông Vận Tải
|