Tại Hội thảo “Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu” diễn ra ngày 20/7/2012 tại TP. HCM, do ba Hiệp hội: Thủy sản, Dệt may, Da giày, phối hợp với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan tổ chức đã có nhiều ý kiến cho rằng các thủ tục hành chính rườm rà đang “ngáng chân” các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho rằng: Dù đã cải cách nhiều năm nhưng cho đến nay, tình hình thực hiện thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn rất phức tạp, làm tăng thêm rắc rối cho doanh nghiệp trong giai đoạn kinh tế khó khăn như thế này.
Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cũng nhận định: “Mối quan hệ giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp không phải là xin - cho, mà là mối quan hệ cộng sinh. Vì vậy, lẽ ra, cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm tạo ra môi trường lành mạnh cho doanh nghiệp hoạt động, thì nhiều đơn vị lại coi mình là cấp trên của doanh nghiệp”.
Ông Dũng cảm thán: “Tôi rất ghét phải đi xin, nhưng hôm nay tôi xin mấy anh (đại diện các cơ quan hành chính – PV) đơn giản các thủ tục hành chính để cho doanh nghiệp được nhờ!”
Đặc biệt, hiện nay doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu dành cho gia công xuất khẩu sẽ được ân hạn thuế trong vòng 275 ngày. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính đang bàn thảo bỏ quy định này khiến nhiều doanh nghiệp bức xúc. Ông Phạm Xuân Hồng - Phó Chủ tịch Vitas cho biết: “Ý tưởng bỏ ân hạn thuế 275 ngày, có bảo lãnh của ngân hàng đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ là một tai họa lớn nếu thực thi”. Bởi với chính sách thắt chặt này, doanh nghiệp xuất nhập khẩu chỉ có nước quay lại làm hàng gia công.
Ngoài ra, chính sách về chi trả trợ cấp cho người thất nghiệp cũng là mối bận tâm lớn của nhiều doanh nghiệp. Bà Nguyễn Thị Phương Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Long An, Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Long An cho rằng: “Chính sách thất nghiệp đang làm biến động lực lượng lao động”. Bởi có nhiều doanh nghiệp phải chi trả nhiều tỷ đồng vì người lao động tự xin nghỉ việc để hưởng trợ cấp, còn bản thân doanh nghiệp thâm hụt nguồn nhân công, phải tuyển thường xuyên không thành đợt mà vẫn thiếu nên rơi vào tình cảnh lao đao.
Thừa nhận vẫn còn rất nhiều thủ tục hành chính chưa thể thông thoáng như mong muốn, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) cho biết, cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp là giải pháp trọng tâm mà Chính phủ tiếp tục lựa chọn. Ông Phan nói: “Sẽ có thêm 20 nhóm thủ tục hành chính cần được cắt giảm trong năm 2012 này”.
Nụ Phạm