Ngày 27/7/2012, Tập đoàn Alibaba.com và đại diện tại Việt Nam là Công ty OSB cùng các đối tác đã công bố triển khai dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế” trị giá 1 triệu USD (tương đương 21 tỷ VNĐ), thông qua hình thức hỗ trợ phí dịch vụ, tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn,… khi doanh nghiệp tham gia vào kênh xuất khẩu trực tuyến Alibaba.com.
Đây là hoạt động Alibaba và OSB hưởng ứng chủ trương của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, trợ giúp doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong sáu tháng cuối năm 2012, cũng như đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả xuất khẩu thông qua kênh thương mại điện tử trong bối cảnh khó khăn hiện nay của nền kinh tế.
Được biết, dự án sẽ được triển khai trên toàn Việt Nam cho 500 doanh nghiệp, bắt đầu từ tháng 7/2012 tới tháng 12/2012, hoặc sau khi đã đủ số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Ông Timothy Leung, Giám đốc cao cấp, Bộ phận Dịch vụ và Kinh doanh toàn cầu, Tập đoàn Alibaba.com cho biết: “Với 1 tỷ USD rải đều để hỗ trợ cho khoảng 500 doanh nghiệp tham gia giao thương trên Alibaba, ngoài cơ hội được hỗ trợ 45% phí dịch vụ thành viên (Global Gold Supliers-GGS) trên Alibaba.com, doanh nghiệp còn có cơ hội tham gia các chương trình hội thảo thiết kế theo chuyên đề, các khóa đào tạo kỹ năng chuyên sâu liên quan tới hoạt động xuất khẩu trực tuyến và các chương trình gặp gỡ trực tiếp các nhà nhập khẩu nước ngoài”. Theo ông Timothy Leung, với gói dự án có giới hạn của mình, Alibaba và OSB sẽ ưu tiên trước cho các đối tượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam đang là thành viên của Alibaba và VCCI.
Đại diện Công ty OSB, ông Trần Đình Toản, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tập trung lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam tham gia vào dự án qua đó góp phần vào việc đẩy mạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp trong giai đoạn 06 tháng cuối năm 2012. Bên cạnh đó, qua dự án hỗ trợ này chúng tôi hy vọng sẽ góp phần nâng cao khả năng ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tạo tiền đề cho việc đẩy mạnh phát triển ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian tới”.
Đánh giá về dự án hỗ trợ, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Giám đốc chi nhánh Xuất nhập khẩu phía Bắc, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ: “Được biết, là một trong các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ dự án này, chúng tôi đánh giá đây thực sự là chương trình hỗ trợ trực tiếp và thiết thực. Chúng tôi đã hoạt động trên Alibaba.com trong 03 năm qua và coi đây là kênh xuất khẩu hiệu quả nhất. Trong năm 2011, chúng tôi đã có những đơn hàng xuất khẩu thủ công mỹ nghệ trị giá 300.000 USD qua Alibaba.com. Chúng tôi rất hi vọng sẽ nhận được nhiều hỗ trợ hơn nữa từ VCCI, Alibaba.com và OSB”.
Trên thực tế, đứng trước những khó khăn gặp phải với các thị trường truyền thống và nhận thấy nhiều nhà nhập khẩu lớn trên thế giới đang xem Đông Nam Á như một thị trường tiềm năng với các sản phẩm thay thế có giá cả cạnh tranh và chất lượng ổn định, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã chủ động tìm các cách thức khác nhau để tiếp cận với đối tác, khách hàng, trong đó có thương mại điện tử. Ông Võ Tân Thành, Giám đốc VCCI, chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam đang ngày càng được các thị trường nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm 2012 theo báo cáo của Bộ Công thương đã đạt 53,1 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu mục tiêu cả năm là khoảng 109,5 tỷ USD, nhiệm vụ còn lại của xuất khẩu Việt Nam là đạt 56,4 tỷ USD, tức là 9,4 tỷ USD/tháng. Điều đáng mừng là xuất khẩu bình quân mỗi tháng trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua đều đạt trên 9,72 tỷ USD. Đây là một tín hiệu khá lạc quan. Và với sự hỗ trợ của các kênh giao dịch trực tuyến đang phát triển nhanh chóng hiện nay, tôi tin rằng con số này sẽ còn tăng trong thời gian tới”.
Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc quốc gia của Alibaba tại thị trường Việt Nam nhấn mạnh: “Việc lựa chọn thương mại điện tử là một kênh quan trọng hàng đầu để thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế đang trở thành xu thế tất yếu trên thế giới”.
Riêng đối với sàn thương mại điện tử toàn cầu dành cho doanh nghiệp Alibaba.com, Việt Nam là một quốc gia đầy tiềm năng. Ông Timothy Leung cho biết: “Tính đến hết tháng 5/2012, số lượng thành viên đăng ký lên tới 210,000. Tính trung bình mỗi tháng tại Việt Nam có thêm 4000 thành viên mới, tăng khoảng 25%”. Căn cứ vào số lượng hỏi hàng qua Alibaba.com của các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam, tỷ lệ được phân chia theo ngành hàng như sau: Máy móc (10%), Khoáng sản & Luyện kim (7%) và Nông sản (7%). Các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam cũng đang tìm nguồn hàng chủ yếu từ Trung Quốc (56%) và Việt nam (6%). Ngoài ra, tỷ lệ hỏi hàng cũng được phân chia đều cho một số thị trường khác như Ấn Độ (4%), Malaysia (4%) và Hàn Quốc (4%).
Cũng trong thời gian này, 03 ngành hàng của Việt Nam nhận được nhiều hỏi hàng nhất từ các doanh nghiệp nước ngoài trên Alibaba.com là: Nông sản (20%), Thực phẩm & Đồ uống (19%) và Xây dựng & bất động sản (8%). Điểm nổi bật là có tới 9% số hỏi hàng từ Mỹ, 8% từ Trung Quốc và 8% từ Ấn Độ. Con số này nói lên những thay đổi đáng kể trong hoạt động tìm nguồn cung toàn cầu hiện nay khi Ấn Độ và Trung Quốc- hai thị trường cung ứng lớn trên thế giới cũng đang tìm kiếm sản phẩm từ Việt Nam. Tính riêng đối với Trung Quốc, tỷ lệ tìm kiếm các sản phẩm từ Việt Nam trên Alibaba.com tăng lên 2% mỗi năm.
Song song với việc công bố dự án hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, ngày 27/7/2012, Tập đoàn Alibaba.com cũng đã phối hợp với Công ty OSB tổ chức thành công Hội thảo “Open Sesame” – Hội thảo quy mô lớn về xu hướng xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử cho đối tượng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Hội thảo, hơn 200 doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã có cơ hội gặp gỡ giao lưu và tìm hiểu cách thức tìm nguồn cung để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như nắm bắt đối tượng nhà nhập khẩu nước ngoài nào đang quan tâm tới các sản phẩm từ Việt Nam. Qua Hội thảo, Alibaba.com đánh giá, đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp Việt Nam vượt lên và đi trước một bước so với các đối thủ cạnh tranh bằng việc nhận thức sâu sắc những thay đổi nào trong xu hướng tìm nguồn cung toàn cầu qua thương mại điện tử đang ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp.
Giới thiệu về Alibaba.com
Alibaba.com là sàn thương mại điện tử hàng đầu thế giới dành cho doanh nghiệp vừa vừa nhỏ và là lá cờ đầu của Tập đoàn Alibaba. Được thành lập vào năm 1999 tại Hangzhou, Trung Quốc, Alibaba.com đã mang lại sự tiện lợi trong giao thương cho hàng triệu người mua và người bán trên toàn thế giới thông qua 3 sàn giao dịch thương mại điện tử chính: Sàn giao thương toàn cầu (www.alibaba.com) dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu; sàn giao dịch nội địa Trung Quốc (www.1688.com) và một trang xúc tiến bán lẻ trên Alibaba.com (www.aliexpress.com) dành cho các cá nhân hoặc các doanh nghiệp quy mô nhỏ muốn nhập những lô hàng với số lượng nhỏ và vận chuyển trong thời gian ngắn. Hệ thống các sàn giao dịch của Alibaba tạo nên cộng đồng gồm 79,7 triệu thành viên đăng ký từ 240 quốc gia và vùng lãnh thổ. Alibaba.com cũng sở hữu công ty Vendio and Auctiva, nhà cung cấp hàng đầu về các giải pháp thương mại điện tử cho giao dịch trực tuyến. Alibaba.com có văn phòng giao dịch tại hơn 70 thành phố ở Trung Quốc Đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu và Mỹ,…
|