Ngày 3/8/2012, đại diện Hiệp hội Phương tiện vận tải sử dụng Khí thiên nhiên châu Á-Thái Bình Dương (ANGVA) và các Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực khí nén của Việt Nam đã có chuyến tham quan thực tế trạm CNG (Tân Kiên – TP. HCM) và nhà máy Vinamilk (Đồng Nai) về cơ sở hạ tầng tái nạp khí ga CNG ứng dụng trong công nghiệp và vận tải.
Nhiên liệu CNG là loại khí nén methane tự nhiên, phát sinh từ bùn, quá trình phân hủy xác thực vật, khai thác dầu khí,… có nhiều ưu điểm: sạch, rẻ, an toàn. Trước tình hình trợ giá nhiên liệu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm như hiện nay, khí CNG đã trở thành một giải pháp đảm bảo tiết kiệm, giảm thiểu ô nhiễm. Nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Hàn Quốc,… đã sử dụng rộng rãi loại nhiên liệu này trong các hoạt động vận tải nhằm tiết kiệm chi phí nhiên liệu, bảo vệ môi trường.
Trạm nén khí CNG của Vinamilk.
Khí CNG cháy ở nhiệt độ lên đến 650 độ C trong khi xăng cháy ở 255 độ C, nên CNG khó bắt cháy hơn. Theo Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh, mỗi năm thành phố phải bỏ ra hơn 600 tỷ đồng trợ giá xe buýt, mà chủ yếu là trợ giá nhiên liệu. Do đó việc sử dụng khí nén CNG giúp tiết kiệm khoảng 50% chi phí, giảm bớt gánh nặng trợ giá, thúc đẩy việc đầu tư vốn ứng dụng nhiên liệu sạch trong vận tải công cộng, và tiến xa hơn là các phương tiện giao thông vận tải khác.
Trong công nghiệp, riêng Công ty Vinamilk hiện nay đang sử dụng hai container khí CNG với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng, nhằm cung cấp nhiên liệu phục vụ cho sản xuất.
Bảo Hân