Ngày 10-8, tại Hội nghị tổng kết niên vụ mía đường năm 2011 - 2012 do Bộ NN-PTNT tổ chức tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Diệp Kỉnh Tần cho biết, tính đến ngày 15-7, lượng đường tồn kho của các nhà máy trong cả nước chỉ còn gần 240.000 tấn, cộng với lượng đường sẽ nhập khẩu vào Việt Nam theo thỏa thuận khi gia nhập WTO là 70.000 tấn trong kế hoạch năm 2012 thì tổng lượng đường còn trong khoảng thời gian từ nay tới đầu vụ sau 309.400 tấn.
Ông Diệp Kỉnh Tần cho rằng nếu cân đối cung cầu đường của cả nước từ nay tới cuối năm sẽ không thừa đường. Bởi bình quân tiêu thụ mỗi tháng tới gần 100.000 tấn đường, trong khi chỉ còn dư thừa hơn 300.000 tấn (tính cả nhập khẩu theo hạn ngạch) thì cung sẽ không đủ cầu vì còn tới 4 - 5 tháng nữa các nhà máy mới “đỏ lửa” trở lại.
Cũng liên quan tới việc lưu thông, tiêu thụ mía đường, chiều 10-8, Bộ Công thương đã tổ chức công bố hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm đường, muối, trứng gia cầm nhập khẩu theo cam kết khi gia nhập WTO.
Theo đó, về đường năm nay (tính từ tháng 7-2012), Việt Nam sẽ phân giao quota nhập khẩu 70.000 tấn cho các doanh nghiệp nhập khẩu.
Tuy nhiên, sự kiện nhiều người quan tâm là mới đây có thông tin Hiệp hội Mía đường Việt Nam có văn bản gửi Bộ NN-PTNT kiến nghị ưu tiên dùng hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm để nhập khẩu đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) sản xuất từ Lào.
Theo đề xuất trên, HAG hiện đang đầu tư cụm công nghiệp mía đường Hoàng Anh Attapeu trị giá 100 triệu USD tại Lào với công suất 7.000 tấn/ngày. Tuy nhiên hiện nay, HAG đang gặp khó khăn, sản lượng làm ra chưa tìm được hướng tiêu thụ, nhất là khi Việt Nam thực hiện cấp hạn ngạch nhập khẩu đường. Vì vậy, HAG đề nghị xem xét cơ chế cho phép nhập khẩu hơn 100.000 tấn đường/năm từ Lào để giải quyết đầu ra cho nhà máy từ năm 2013. Điều nghịch lý ở chỗ, nếu đề xuất trên được chấp thuận thì chẳng những giúp HAG tiêu thụ sản phẩm làm ra tại Lào mà còn có thể “trục lợi” tới 50% thuế suất.
Vì theo quy định các doanh nghiệp nhập khẩu đường từ các nước ASEAN phải chịu thuế suất 5%, còn nhập khẩu theo chính sách thuế song phương Việt Nam và Lào chỉ chịu 2,5%. Điều đó cũng có nghĩa Nhà nước sẽ thất thu một khoản thuế lớn.
Mặc dù chưa khẳng định các bộ liên quan có ý kiến như thế nào với đề xuất trên, song Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, các sản phẩm do HAG làm ra sẽ mang xuất xứ của Lào. Và giữa Việt Nam và Lào đã có các thỏa thuận về ưu đãi thuế quan do có chung biên giới, trong đó có một số mặt hàng được hưởng thuế suất chỉ bằng 50% thuế suất ưu đãi của ASEAN. Có nghĩa đường nhập khẩu theo thuế suất ưu đãi của ASEAN 5% thì nhập từ Lào chỉ 2,5%. Ông Biên cho rằng, nếu Việt Nam nhập lượng đường hàng trăm ngàn tấn từ Lào thì lượng chênh lệch cũng không lớn, khoảng 35 tỷ đồng.
“Tuy nhiên, không phải chúng ta buộc phải tiêu thụ toàn bộ lượng đường của Hoàng Anh Gia Lai, tùy thuộc vào các doanh nghiệp được phân hạn ngạch nhập khẩu đường và Nhà nước cũng không phân hạn ngạch cho các nhà xuất khẩu. Còn các nhà nhập khẩu có lựa chọn các nhà xuất khẩu (như Hoàng Anh Gia Lai - PV) hay không là quyền của họ. Và theo chúng tôi, các nhà nhập khẩu cũng không chỉ có một sự lựa chọn là Hoàng Anh Gia Lai” - Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên nói.
Theo SGGP