Ngày 30/8, tại TP.HCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn tổ chức Hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp - khơi thông nguồn vốn”, với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế và hơn 200 doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Võ Tấn Thành, Phó Tổng thư ký VCCI cho biết, những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã có những tác động tích cực đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các phản ánh của các doanh nghiệp hội viên cho thấy lãi suất cho vay của ngân hàng hiện nay vẫn đang khá cao, việc tiếp cận vốn cũng không mấy dễ dàng. Trong khi đó lượng hàng tồn kho trong các doanh nghiệp hiện vẫn ở mức cao khiến cho các doanh nghiệp không thể có tiền để trả ngân hàng và tái đầu tư sản xuất. Do đó, tìm giải để giải phóng hàng tồn, duy trì sản xuất là một vấn đề bức thiết hiện nay của các doanh nghiệp.
Thạc sĩ Đoàn Thị Quyên, đại diện Viện Phát triển doanh nghiệp (VBIS - VCCI) cho biết thêm theo một điều tra của VBIS, trong 6 tháng đầu năm 2012, chỉ số tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp đã giảm 24 điểm so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó chỉ số hàng tồn kho tăng cao. Tính đến thời điểm ngày 1-7-2012 chỉ số hàng tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm 2011. Trong khi đó chỉ số này ở cùng thời điểm năm 2011 chỉ 16%.
Để nhanh chóng đẩy mạnh lượng hàng tồn kho, theo bà Quyên các doanh nghiệp cần đẩy mạnh các giải pháp như: tổ chức lại kênh phân phối (giao hàng đến tận tay tiểu thương, đưa hàng về nông thôn…), đẩy mạnh xuất khẩu online qua thương mại điện tử, giảm chi phí để giải phóng hàng tồn…
Theo TS Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Tin học và Kinh tế ứng dụng, trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng phương tiện thanh toán và huy động vốn tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên tăng trưởng tín dụng lại thấp hơn rất nhiều so với nguồn tiền cung ứng và huy động. Điều này cho thấy dòng tiền vẫn chưa thực sự chảy vào sản xuất.
Đồng tình với quan điểm trên, TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ của Chính phủ cho biết từ quý II năm nay, nền kinh tế Việt Nam như một cơ thể vừa thiếu máu, vừa không tiếp nhận được máu. Doanh nghiệp thiếu vốn hoạt động, ngân hàng không tăng được tín dụng. Nợ xấu như cục máu đông gây tắc nghẽn hệ tuần hoàn.
Để giải quyết khó khăn về nguồn vốn hiện nay, theo ông Hiển các doanh nghiệp cần phải biết chấp nhận lỗ để giải phóng lượng hàng tồn bằng cách giảm giá bán, bán dưới dạng quà tặng kèm với các mặt hàng đang có sức mua tốt hoặc phối hợp nhóm hàng tạo gói bán hàng hấp dẫn khách. Bên cạnh đó cần quyết liệt giảm lĩnh vực, mặt hàng kinh doanh yếu để tập trung vốn cho lĩnh vực ưu thế.
Ông Hiển dự đoán nguồn tín dụng nhiều khả năng sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm do các ngân hàng đã mạnh về thanh khoản và nguồn vốn. Tuy nhiên cũng cần một khoảng thời gian để hấp thụ và phát huy nguồn vốn nên trong quý 3, dự đoán nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và tín hiệu khởi sắc rõ rệt sẽ xuất hiện vào cuối quý 4 năm 2012.
THANH LONG