Giá vàng trong nước thời gian qua bỏ xa giá vàng thế giới có khi lên đến trên 3 triệu đồng/lượng chính là do cơ chế quản lý và điều hành thị trường vàng của chúng ta còn nhiều bất cập. Đây là nhận định được các chuyên gia đưa ra trong hội thảo “Làm thế nào để huy động được nguồn lực vàng trong dân” tổ chức tại TP.HCM vào ngày 4-10-2012.
Phát biểu tại hội thảo, TS Nguyễn Đại Lai, Chuyên viên Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết nếu như giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới trên 400 ngàn đồng/lượng đã bị coi là có sự đầu cơ làm giá của giới đầu cơ thì việc giá vàng trong nước bỏ xa giá vàng thế giới có lúc đến hơn 4 triệu đồng/lượng là một sự làm giá trắng trợn của giới đầu cơ.
Việc Nhà nước cấm mọi loại vàng miếng trừ vàng SJC đã tạo nên thế độc quyền cho doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh vàng miếng, khiến giá vàng SJC luôn cao hơn giá vàng thế giới ít nhất 2,5 triệu đồng/lượng. Trong khi giá vàng các thương hiệu khác lại ngang bằng, thậm chí thấp hơn giá vàng thế giới đến 1 triệu đồng/lượng dù chúng vẫn có tuổi vàng “4 số 9” giống hệt tuổi vàng SJC. Đây là điều hết sức bất hợp lý vì giá trị của vàng ở khắp nơi trên thế giới được đo bằng tuổi vàng thì ở Việt Nam do cơ chế cấm nửa vời nên tuổi của vàng không quan trọng bằng miếng vàng đó mang thương hiệu gì.
Ngoài ra, việc hơn 1 năm trước đây Ngân hàng nhà nước (NHNN) cho phép 5 ngân hàng lớn (nhóm G5) được phép huy động và bán vàng để bình ổn thị trường với tỉ lệ 40% tổng lượng vàng huy động được, tức là cứ huy động được 1000 lượng vàng thì “nhóm G5” được phép bán ra 400 lượng cũng góp phần đẩy giá vàng trong nước leo cao. Nhiều ngân hàng trong nhóm này đã bán vàng gửi của dân khi giá vàng còn thấp để lấy tiền đồng ra làm tín dụng với lãi suất cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng giá của vàng. Nay thị trường có biến động, nhiều người dân đến rút vàng để bán khiến các ngân hàng phải mua vàng vào để cân đối trạng thái hoặc để trả vàng đến hạn dẫn đến nhu cầu vàng tăng đột biến. Song nhu cầu cao này lại dồn vào chỉ duy nhất một thương hiệu SJC nên đã đẩy giá vàng SJC lên rất cao theo cơ chế độc quyền hơn là theo quy luật của giá vàng nói chung.
Trong số 60% vàng huy động còn lại cũng không thể để nguyên trong két của các ngân hàng mà cho vay trực tiếp vàng với các tài sản đảm bảo ngày càng kém giá trị tại mỗi ngân hàng như cổ phiếu, chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm… Nay giá vàng tăng quá nhanh, người vay vàng cũng không thể mua để trả vàng đúng hạn. Nợ xấu vàng theo đó cũng gia tăng, càng tạo áp lực giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới.
Tiến Sỹ Nguyễn Đại Lai phát biểu tại hội thảo
Từ đó, ông Nguyễn Đại Lai cho rằng Nhà nước cần sớm bỏ chính sách độc quyền vàng miếng SJC như hiện nay. Thay vào đó NHNN chỉ quản lý vàng trong cấu thành dự trữ ngoại hối Nhà nước bằng vàng thỏi, chuẩn quốc gia đồng thời là chuẩn quốc tế. Tất cả các loại vàng còn lại, cả vàng với tư cách ngoại hối thông thường lẫn vàng mỹ nghệ, trang sức trên thị trường nên được tự do trao đổi, mua bán. Tuy nhiên tuyệt đối cấm dùng vàng làm phương tiện thanh toán.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng cho rằng NHNN không thể quản lý thị trường vàng miếng theo cách biến từ độc quyền Nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp như hiện nay được. Thay vào đó, NHNN nên chuẩn hóa vàng miếng để tạo thành một thị trường vàng cạnh tranh.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng Nhà nước nên thành lập sàn giao dịch vàng quốc gia và giao cho NHNN ban hành quy chế quản lý. Sàn vàng đúng nghĩa ra đời sẽ vừa chống được độc quyền, vừa tạo nguồn thu cho ngân sách và tạo được sự liên thông với thị trường vàng thế giới, giảm sự chênh lệch giá vàng quá xa giữa trong nước và thế giới như thời gian vừa qua.
Thanh Long