|
Tại cuộc họp giao ban xuất khẩu gạo vừa qua ở TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) nhận định, với tiến độ ký hợp đồng và giao hàng như hiện nay hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang dần tiến đến đích 7 triệu tấn đề ra trong năm 2012.
Ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA cho biết, riêng trong tháng 8/2012 sản lượng gạo xuất khẩu gạo đạt trên 928.000 tấn, tăng 22% so với tháng trước và tăng 33% so với cùng kỳ. Tính chung sản lượng xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 5,5 triệu tấn, trị giá đạt 2,47 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước không tăng về lượng nhưng giảm tới 9,1% về giá trị mà nguyên nhân là do sản lượng và giá xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý I/2012 giảm mạnh, có thời điểm giá gạo Việt Nam ở mức thấp nhất so với gạo cùng chủng loại của các nước xuất khẩu khác. Về thị trường xuất khẩu, theo VFA, châu Á vẫn là thị trường chính của gạo Việt Nam với trên 1,6 triệu tấn gạo, tiếp đó là châu Phi với 1,2 triệu tấn. Trong đó, gạo cao cấp 5% tấm chiếm gần 49%, gạo trung bình 15% tấm chiếm 19%, gạo cấp thấp chiếm khoảng 12%.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng đáng kể đặc biệt là từ nửa cuối tháng 8/2012 đến nay giá tăng 40-45 USD/tấn so với hồi đầu tháng mà nguyên nhân là do một số nước, trong đó có Mỹ bị hạn hán khiến có nơi sản lượng lương thực giảm 50-60%. Thêm vào đó trong thời gian gần đây, lượng lúa gạo ở Việt Nam đưa qua Campuchia để xuất đi Thái Lan tăng rất mạnh, chỉ riêng cửa khẩu Tịnh Biên (An Giang) có ngày xuất hơn 5.000 tấn gạo. Khu vực biên giới phía Bắc cũng sôi động khi thương nhân Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gạo. Họ thuê người và xe thu mua rồi chở thẳng ra biên giới. Tám tháng đầu năm, Trung Quốc mua hơn 1,3 triệu tấn gạo của Việt Nam và đang dẫn đầu trong các nước nhập khẩu gạo.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho biết, thời gian qua do giá gạo của Việt Nam thấp hơn so với gạo của Thái Lan nên lượng gạo chất lượng cao xuất khẩu đã tăng mạnh, hiện chiếm khoảng 62%. Tuy nhiên các DN không nên ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu, nhất là các hợp đồng xuất khẩu với khối lượng lớn vì giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới có thể sẽ tăng trở lại. Việc cần thiết hiện nay của hiệp hội là phải tiêu thụ hết lúa cho nông dân với giá tốt, không để người nông dân lỗ. Bên cạnh đó các DN tham gia xuất khẩu ngoài việc phải dự trữ 10% trên tổng lượng xuất khẩu 6 tháng đầu năm thì phải có trách nhiệm đưa đưa gạo ra can thiệp thị trường theo chỉ đạo của Bộ Công Thương, của hiệp hội hoặc của UBND các tỉnh để ổn định thị trường khi có đột biến về giá. Bởi theo Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo, DN chỉ được ký hợp đồng khi trong kho của DN đó có từ 50% lượng gạo được ký trở lên.
Theo VFA, kế hoạch năm 2012 là xuất khẩu 7 triệu tấn gạo nhưng với quan điểm là tiêu thụ hết lúa gạo hàng hóa trong dân nên lượng xuất khẩu có thể hơn con số trên. Tại thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam, lượng gạo trong kho của các DN vẫn dồi dào và được cung ứng bổ sung liên tục từ các kho chứa tại đồng bằng sông Cửu Long. Ở phía Bắc, VFA cũng đã giao cho Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1) thống kê lại lượng tồn kho của DN thành viên để bảo đảm thị trường ổn định trong mùa giáp hạt sắp tới. Ngoài ra, các DN cần hết sức thận trọng, nhất là không vội ký với đối tác nước ngoài những hợp đồng với số lượng lớn mà phải theo dõi sát tình hình thế giới, tập trung sát sao vào diễn biến của cửa khẩu Tây Nam giáp Campuchia và các tỉnh phía Bắc giáp Trung Quốc. Thời gian tới, hiệp hội sẽ bàn việc đưa ra giá sàn xuất khẩu, để đảm bảo việc thương thảo các hợp đồng tập trung với giá bán có lợi cho Việt Nam.
Ngoài ra mới đây nhất Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ về biện pháp quản lý số lượng đầu mối xuất khẩu gạo và hiện đang chờ Thủ tướng phê duyệt. Theo đó, Bộ Công Thương đề xuất tạm thời không ấn định khống chế 100 đầu mối kinh doanh xuất khẩu gạo. (Hiện tại có 153 DN nội địa được cấp giấy phép xuất khẩu gạo, trong đó có khoảng 80 DN có giấy phép 5 năm, nghĩa là các DN này đã đạt các điều kiện xuất khẩu gạo gồm sở hữu kho chứa thóc trên 5.000 tấn, cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ). Trước vấn đề này một số DN chưa có giấy phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm vẫn cho rằng việc giới hạn số lượng DN được cấp phép là hoàn toàn hợp lý bởi khi có quá nhiều DN, thương lái cùng tham gia xuất khẩu thì thị trường khó kiểm soát, kéo theo giá gạo xuất khẩu xuống thấp. Hơn nữa việc thu hẹp đầu mối xuất khẩu gạo sẽ cắt bỏ nhiều tầng lớp trung gian trên thị trường, chấm dứt tình trạng thương lái cũng có thể xuất khẩu, loại bỏ những DN năng lực kém, không đảm bảo các yêu cầu về số lượng lẫn chất lượng gạo xuất khẩu. Và điều quan trọng hơn khi nhiều DN mạnh liên kết chung sức với nhau sẽ thống nhất được việc kiểm soát mức giá xuất khẩu, chất lượng gạo tốt hơn, giá cả sẽ cao và cạnh tranh tốt hơn.
Theo thuongmai.vn
|