Nhiều nhân viên tại các công ty con của Vinashin đã bỏ nghề hoặc chuyển công tác vì công việc bấp bênh, hợp đồng đóng tàu không nhiều, đồng thời lương không đủ bảo đảm cuộc sống.
Nhiều người lao động sau gần trọn đời gắn bó với nghề, với nhà máy cũng đành dứt áo ra đi tìm việc làm mới. Bình minh vừa ló dạng, hàng ngàn công nhân từ các nơi đổ về Nhà máy Nhiệt điện ở xã Tam Hưng, Thủy Nguyên, Hải Phòng để bắt đầu công việc của một ngày mới. Nhưng cách đó không xa, các đơn vị thành viên lớn thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt như Nam Triệu, Phà Rừng… lại đìu hiu, không nhiều tiếng búa, hoạt động sản xuất chỉ diễn ra ở một số khu vực.
Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đóng tàu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán nợ cũ, thiếu vốn, vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất, công nhân chỉ được trả lương ở mức tối thiểu và vẫn còn bị nợ nhiều tháng trước. Riêng Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu do ít có hợp đồng đóng tàu mới nên lực lượng lao động tiếp tục giảm.
Thời “hoàng kim”, công ty này có hơn 7.000 nhân viên, nay chỉ còn 3.800 người. Một phần do lao động xin nghỉ tự túc không lương, phần còn lại xin chuyển sang các doanh nghiệp khác ngoài ngành đóng tàu.
Phó tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, ông Phùng Văn Khôi tâm sự: “Lúc khó khăn thì lao động bỏ doanh nghiệp, nay chúng tôi tập trung cao độ cho con tàu 56.000 tấn thì thiếu người làm. Vài tuần nay, chúng tôi phải bố trí làm cả 3 ca. Hy vọng năm 2013 sẽ dễ thở hơn với chương trình đóng mới 20 tàu biển cho Vinalines đã được ký kết”.
Tương tự, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng đã từng bước sắp xếp lại lao động, giảm từ hơn 3.000 người xuống còn 2.457 nhân lực. Trong quý I/2012, đơn vị tập trung hoàn tất các tàu 17.500 tấn số 1, tàu chở xi măng 14.600 tấn cho Công ty Xi măng Nghi Sơn, tàu chở container 17.500 TEU... nên vẫn duy trì đủ việc làm cho lao động.
Tuy nhiên, từ quý II trở đi, tình trạng thiếu việc lại diễn ra. Hiện 50% số nhân lực của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng phải nghỉ việc. Trong đó, lao động gián tiếp của nhiều phòng ban cũng phải nghỉ luân phiên.
Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng có 3.000 lao động và cũng phải sắp xếp cho gần 200 nhân viên nghỉ hẳn để đi tìm việc nơi khác, 600 người nghỉ tự túc trong thời gian từ 6-12 tháng do thiếu việc làm. Trong đó, nhiều người đã gắn bó gần trọn đời với nghề, với nhà máy.
Ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu, lương bình quân của người lao động hiện chỉ ở mức 3-4 triệu đồng một tháng. Những người phải nghỉ luân phiên lương chỉ từ 1-2 triệu đồng mỗi tháng, doanh nghiệp cũng chỉ mới thanh toán lương hết tháng 2, còn từ tháng 3 đến nay mới chỉ cho tạm ứng 50%-60% lương.
Tương tự, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Bạch Đằng, từ quý II trở lại đây, cũng mới chỉ tạm ứng cho người lao động đi làm khoảng 50% tiền lương (2 triệu đồng một tháng). Ở Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, mức lương của người lao động khá hơn (bình quân 3,8 triệu đồng một tháng) trong nửa đầu năm, dù vậy con số này vẫn giảm nhiều so với trước đây.
Theo thống kê mức đóng bảo hiểm xã hội tại Hải Phòng, đến tháng 11, riêng Tập đoàn Vinashin đóng trên địa bàn nợ khoản bảo hiểm xã hội khoảng 169 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Nam Triệu là gần 70 tỷ đồng, các đơn vị khác cũng đều nợ từ 10 tỷ đồng trở lên. Do đó, việc giải quyết chế độ nghỉ hưu, mất sức, ốm đau, thai sản, chuyển công tác sang đơn vị khác còn gặp rất nhiều khó khăn.
Vinashin cho biết, hiện doanh nghiệp vẫn đang đẩy mạnh tiếp thị, tìm thêm thị trường các nước Mỹ La tinh và Caribe. Tuy nhiên, khi ký được hợp đồng đóng tàu mới, vấn đề không có người làm để đáp ứng tiến độ hợp đồng với chủ tàu lại xảy ra. Khi có việc thì tập đoàn phải huy động nhân công cho các hợp đồng lớn. Những thủ tục liên quan đến quyền lợi của người lao động và trách nhiệm của doanh nghiệp phải làm lại từ đầu, mất nhiều thời gian.
Theo VnExpress