Ngày 22-11-2012, Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM phối hợp cùng Báo Diễn Đàn Doanh nghiệp tổ chức hội nghị góp ý sửa đổi, bổ sung dự thảo thông tư hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí đường bộ theo đầu phương tiện.
Phát biểu tại hội nghị, ông Đinh Nam Dinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP.HCM cho rằng dự thảo Thông tư “hướng dẫn chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí bảo trì đường bộ theo đầu phương tiện” vừa được Bộ Tài chính gửi tới các Hiệp hội để lấy ý kiến đóng góp dự kiến sẽ được áp dụng từ ngày 1-1-2013 còn nhiều điểm bất hợp lý, đặc biệt là quy định bắt đóng thuế với cả sơ-mi rơ-moóc. Ông cho rằng bản thân sơ-mi rơ-moóc chỉ là một tổ hợp cơ khí không thể tự vận hành được, chỉ khi gắn liền với đầu kéo thì nó mới tạo thành tổ hợp chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa. Do vậy, cần loại bỏ sơ-mi rơ-moóc ra khỏi diện chịu phí như thông tư đã nêu.
Bà Lương Phạm Tuyết, Giám đốc công ty TNHH GNVT&TM Công Thành cho biết, với 150 đầu xe và hơn 1.000 sơ-mi rơ-moóc, mỗi tháng công ty phải đóng hơn 1 tỷ đồng, một con số quá lớn đối với doanh nghiệp trong thời buổi khó khăn này. Đó là chưa kể đến việc việc đánh phí vào sơ-mi rơ-moóc còn tác động xấu đến việc đẩy nhanh tốc độ vận chuyển hàng hóa. Bởi các doanh nghiệp vận tải lâu nay đầu tư số lượng sơ-mi rơ-moóc nhiều gấp 9-10 lần số đầu xe kéo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng có thời gian xếp dỡ hàng hóa, nâng cao năng lực vận chuyển. Nay Bộ Tài chính bắt phải đóng phí bảo trì đường bộ cho cả sơ-mi rơ-moóc thì chẳng doanh nghiệp nào dại dột đầu tư thêm rơ-moóc để phải đóng thêm phí.
Ông Trương Trí Minh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Hải Phòng cho biết từ đầu năm đến nay, 40% doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng đã phải tạm ngưng hoạt động. Nếu sắp tới áp dụng thêm phí bảo trì đường bộ nữa thì sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp vận tải buộc phải phá sản. Đó là chưa kể Việt Nam và Trung Quốc vừa ký hiệp định vận tải xuyên biên giới. “Nay bắt doanh nghiệp trong nước phải đóng phí thì chẳng khác nào chúng ta đang “ưu ái” cho doanh nghiệp nước ngoài để giết chết doanh nghiệp trong nước”, ông Minh nói.
Ngoài ra, mục đích của việc thu phí bảo trì đường bộ nhằm xóa các trạm thu phí sử dụng vốn ngân sách Nhà nước. Song xu hướng hiện nay và cả trong tương lai các công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT vẫn là xu hướng chủ yếu. Do vậy hiệu quả của việc xóa các trạm thu phí sẽ chẳng đạt được là bao.
Cùng với đó, ông Dinh cho rằng hình thức đánh thuế trên đầu phương tiện vừa thiếu công bằng vừa dễ gây thất thoát. Bởi trong quá trình sử dụng, xe có thể hỏng hóc phải sửa chữa, không có hàng hóa phải nằm bãi… Với cách tính phí theo thông tư trên sẽ thiếu công bằng, xe chạy nhiều cũng đóng như xe chạy ít.
Từ thực tế trên, theo ông Dinh nên áp dụng việc thu phí đường bộ qua xăng dầu. Việc này vừa giúp thu đủ nguồn quỹ, vừa giảm được chi phí cho việc tổ chức bộ máy thu cồng kềnh, tốn kém và dễ thất thu. Đồng thời, cũng tránh được việc bỏ sót các phương tiện vận tải nước ngoài khi lưu thông vào Việt Nam. Còn đối với các đối tượng sử dụng xăng dầu không tham gia giao thông thì Nhà nước sẽ tính phương án hoàn phí lại dựa theo định mức sử dụng.
Lam Hồng