Hàng nhái, hàng giả ngày càng được sản xuất tinh vi và có mặt ở khắp mọi nơi. Từ các mặt hàng thông thường đến các mặt hàng cao cấp. Tuy nhiên còn nhiều bất cập trong công tác quản lý cũng như hệ thống pháp luật khiến việc phòng chống hàng nhái hàng giả hiện nay chưa thật sự mang lại hiệu quả cao.
Hàng giả bán công khai
Tại lễ kỷ niệm ngày phòng chống hàng nhái, hàng giả được tổ chức sáng 29/11/2012 tại TP.HCM, ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết hàng nhái, hàng giả hiện nay xuất hiện ở hầu hết các mặt hàng, từ hàng tiêu dùng thông thường, nhỏ lẻ cho đến các mặt hàng cao cấp có công nghệ cao và đặc biệt các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống. Đặc biệt, ngay cả thuốc tân dược và phân bón cũng được làm giả gây rất nhiều hoang mang cho người dân.
Theo ông Bảo, hàng nhái, hàng giả hiện được bày bán công khai ở khắp mọi nơi, từ nông thôn tới các thành phố lớn, không chỉ được bày bán ở các chợ nhỏ lẻ mà còn len lỏi vào cả các siêu thị và trung tâm thương mại, chợ đầu mối.
Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT – Bộ Công thương cho biết thêm công nghệ làm hàng giả ngày càng tinh vi về chất lượng khiến cho người tiêu dùng và ngay cả các cơ quan chức năng cũng khó phát hiện được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Không những vậy, đã có sự phân công chặt chẽ giữa các khâu. Có đối tượng chuyên sản xuất gia công các loại bao bì, tem nhãn. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi sau đó chuyển đến một nơi khác đóng gói, dán nhãn mác thành phẩm rồi chuyển ngay cho khách đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó chứ không để tồn trữ nên rất khó phát hiện.
Trong 9 tháng đầu năm, lực lượng QLTT cả nước đã kiểm tra 112.683 lượt, xử lý 59.175 vụ vi phạm. Trong đó có 8.751 vụ buôn lậu, 9.025 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, 12.859 vụ vi phạm trong lĩnh vực giá… với tổng số thu trên 275 tỷ đồng, tăng trên 15 tỷ đồng so với năm 2011. Trong đó phạt hành chính trên 168 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế trên 9 tỷ đồng; tiền bán hàng tịch thu 98 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tịch thu chưa bán khoảng 229 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 40 tỷ đồng.
Công tác phòng chống còn nhiều bất cập
Bà Lê Thị Anh Mẫn, PCT Hiệp hội Gas Việt Nam cũng cho biết thêm hiện nay tình trạng sang chiết gas trái phép, chiếm đoạt, hoán cải vỏ bình gas, giả mạo nhãn hiệu hàng hóa đối với vỏ bình gas diễn ra phổ biến bằng cách mài logo, đóng dập lại số sêri rồi dán nhãn hiệu của họ để tung ra thị trường gây nhiều thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh gas và gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc xóa các cơ sở sang chiết lậu thời gian qua chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Bà Mẫn lấy ví dụ, tại Đồng Nai có rất nhiều trạm sang chiết gas lậu. Trong năm qua, công an Đồng Nai mới chỉ xóa được 3 trạm sang chiết gas lậu và vẫn còn rất nhiều trạm khác vẫn ngang nhiên hoạt động. “Tại Đồng Nai, tốc độ xóa trạm sang chiết gas lậu chậm hơn tốc độ ra đời của các trạm sang chiết nạp lậu mới khiến cho tình hình khu vực vẫn rất phức tạp vì hàng sang chiết lậu không chỉ tiêu thụ ở đồng Nai mà còn tiêu thụ rộng rãi ở khắp các tỉnh lân cận”, bà Mẫn nói.
Lý giải cho công tác phòng chống thời gian qua đạt hiệu quả chưa cao, ông Trần Hùng cho biết một phần cũng vì trang thiết bị, phương tiện và nguồn nhân lực của QLTT phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ còn mỏng. Cả nước hiện chỉ có 12 đội chuyên trách chống hàng giả tập trung tại các thành phố lớn trực thuộc trung ương. Trong khi đó, kinh phí để giám định, tiêu hủy hàng nhái, hàng giả chưa được đảm bảo.
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam phát biểu tại lễ kỷ niệm
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chi cục trưởng chi cục QLTT Bình Dương cho biết thêm, công tác phòng chống hàng nhái hàng giả hiện nay còn nhiều khó khăn do quy định của pháp luật chưa rõ ràng và mức xử phạt chưa nghiêm. Chẳng hạn, việc quy định hàng giả về công dụng, chất lượng dẫn đến việc rất khó áp dụng trong thực tế vì hàng hóa kém chất lượng đến mức nào thì được coi là hàng giả? Hay việc quy định việc sản xuất hàng giả “với quy mô thương mại” sẽ bị xử lý hình sự nhưng không có giải thích đến mức nào là quy mô thương mại nên trong thực tế việc xử lý hình sự các đối tượng làm hàng nhái, hàng giả rất khó khăn. Công tác phối hợp giữa cơ quan thực thi với các chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và giữa các cơ quan thực thi với nhau hiện còn chồng chéo và nhiều bất cập khiến công tác đấu tranh phòng chống hàng giả chưa thực sự mang lại hiệu quả cao.
Theo bà Vũ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương, để công tác chống hàng nhái, hàng giả đạt kết quả cao cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành. Đây không chỉ là nhiệm vụ của các lực lượng chống hàng nhái, hàng giả mà còn là nhiệm vụ của toàn dân và xã hội. Để làm được việc này, phải không ngừng tăng cường công tác truyền thông để mọi người ý thức hơn trong việc tuyên chiến với hàng nhái, hàng giả. Trong thời gian tới Bộ Công thương cũng sẽ đề xuất, kiến nghị với Chính phủ sửa đổi, bổ sung thêm các chính sách nhằm nâng cao công tác phòng chống hàng nhái, hàng giả.
Thanh Long