|
Các nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc vừa phát đi những tín hiệu mạnh mẽ về cải cách kinh tế. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là tăng cường tiêu dùng nội địa, giảm bớt sự phụ thuộc vào các lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư vào các doanh nghiệp quốc doanh, cho dù cách làm này có làm giảm tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn.
Báo Wall Street Journal cho biết, trong một tuyên bố phát đi sau Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương diễn ra vào cuối tuần vừa qua, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng cường nhập khẩu và đẩy mạnh cải thiện cuộc sống của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị, theo đó tăng cường tiêu dùng nội địa. Hội nghị này là nơi để các nhà lãnh đạo Trung Quốc đánh giá những thách thức kinh tế trong ngoài nước. Tuyên bố sau hội nghị cũng cho biết, Trung Quốc cần cho thấy nhiều hơn quyết tâm thực hiện cải cách.
Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương lần này của Trung Quốc do Phó thủ tướng Lý Khắc Cường, người được dự báo sẽ trở thành Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc thay cho ông Ôn Gia Bảo, chủ trì. Trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại hội nghị này là vấn đề đô thị hóa, một trong những ưu tiên kinh tế hàng đầu của ông Lý Khắc Cường. Hội nghị xem đô thị hóa là một “nhiệm vụ lịch sử” và “đầu tàu tiềm năng lớn nhất của nhu cầu nội địa”. Người lao động nông thôn ở Trung Quốc có thể kiếm thu nhập cao hơn khi kiếm được việc làm ở thành thị và có nhiều tiền để tiêu dùng hơn.
Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hiện đang xem xét một kế hoạch cải cách đất đai, trong đó tăng tiền đền bù cho nông dân bị thu hồi đất cho các dự án phát triển bất động sản. Những khoản bồi thường như thế sẽ giúp người nông dân bị thu hồi đất dễ dàng chuyển tới sống ở thành phố hơn. Năm ngoái, tỷ lệ dân số thành thị của Trung Quốc lần đầu tiên vượt ngưỡng 50%.
“Chúng ta sẽ đối mặt với một số rủi ro và thách thức. Vấn đề phát triển mất cân bằng và không bền vững vẫn còn tồn tại. Tăng trưởng đối mặt áp lực suy giảm. Tình trạng dư thừa công suất còn đó. Các doanh nghiệp đối mặt với chi phí hoạt động gia tăng và năng lực đổi mới còn kém. Trong khu vực tài chính đang tồn tại những rủi ro tiềm tàng”, tuyên bố của hội nghị nhận định.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 7 quý liên tiếp vừa qua. Trong quý 3/2012, GDP nước này tăng 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2009. Sau đó, hoạt động sản xuất và thị trường bất động sản của Trung Quốc đã khởi sắc.
Phần đông các nhà phân tích dự báo, trong quý 4 này, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ đạt mức khoảng 8%. Tuy vậy, ít chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ trở lại được với mức tăng trưởng hai con số như những năm trước.
Giới quan sát nhận định, Trung Quốc sẽ giữ mục tiêu tăng trưởng 7,5% cho năm 2013, bằng mức đặt ra cho năm 2012, hoặc giảm nhẹ mục tiêu này. Con số này không có nghĩa là một mức dự báo chính xác, bởi tăng trưởng thực tế của Trung Quốc thường vượt mục tiêu, nhưng là một tín hiệu quan trọng cho thấy dự định của Bắc Kinh.
Một con số mục tiêu tương đối khiêm tốn như mức 7,5% phản ánh rằng Bắc Kinh sẵn sàng chấp nhận mức tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn để cải tổ nền kinh tế nhằm đặt tới một nền móng tăng trưởng vững chắc hơn cho những năm tới. Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương của Trung Quốc phản ánh ưu tiên của nước này đang muốn tìm kiếm sự tăng trưởng “có chất lượng”.
Những ai đang kỳ vọng Trung Quốc sẽ đẩy mạnh cấp vốn vay mới hoặc đầu tư cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng trong năm 2013 có thể sẽ phải thất vọng. Tuyên bố của hội nghị cho biết sẽ chỉ mở rộng hoạt động tín dụng ở mức độ hợp lý. Về đầu tư, trọng tâm sẽ là tăng cường đầu tư trong khu vực tư nhân, thay vì khu vực công.
Các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc không muốn lặp lại kế hoạch kích thích kinh tế khổng lồ hồi năm 2009, bởi một kế hoạch như vậy rốt cục có thể lại dẫn tới cơn sốt bất động sản mà Chính phủ nước này đã mất 3 năm để hạ nhiệt. Bên cạnh đó, kế hoạch kích thích kinh tế hồi năm 2009 cũng đã dẫn tới sự hình thành của một “núi” nợ xấu khổng lồ trong hệ thống ngân hàng của Trung Quốc.
Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc cũng khẳng định sẽ tiếp tục các biện pháp kiểm soát đã áp dụng đối với cho vay bất động sản cũng như các biện pháp kiểm soát khác đối với giá nhà.
Mặc dù hội nghị đề cập tới vấn đề tăng nhập khẩu “để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và cân bằng cán cân thanh toán quốc tế”, biện pháp hay dự định thực hiện vấn đề này như thế nào chưa được đề cập.
Theo giới phân tích, một trong những biện pháp để Trung Quốc đạt mục tiêu này là tăng tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với Euro và USD, theo đó giúp hàng nhập khẩu vào Trung Quốc từ hai đối tác thương mại lớn nhất của nước này là châu Âu và Mỹ rẻ hơn nếu tính bằng Nhân dân tệ.
Từ đầu năm đến nay, đồng Nhân dân tệ đã tăng giá khoảng 1% so với đồng USD và chưa đầy 1% so với Euro. Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc vẫn đang liên tục khẳng định rằng, tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang ở gần mức cân bằng, một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh không có dự định thay đổi nhiều đối với tỷ giá.
Tuyên bố của Hội nghị Công tác kinh tế Trung ương Trung Quốc lần này cam kết giữ tỷ giá “cơ bản ổn định”. Các nhà lãnh đạo nước này lo ngại nếu tỷ giá Nhân dân tệ tăng nhanh hơn sẽ gây khó cho các nhà xuất khẩu nước này vốn đã phàn nàn về sự lên giá của đồng nội tệ kể từ tháng 6/2010.
Theo VnEconomy
|