|
Thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam ngày 20-2 cho biết, cục đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất hướng xử lý 22 tàu biển thuộc sở hữu doanh nghiệp Việt Nam nhưng treo cờ nước ngoài và không còn khả năng khai thác.
Theo đó, để góp phần giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải biển, cục đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép tàu biển mang cờ nước ngoài thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân Việt Nam được phá dỡ trong nước như các tàu nội địa. Kiến nghị Bộ TN-MT sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường để phù hợp thực tế hoạt động phá dỡ tàu cũ.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, hiện có 53 tàu biển (tổng trọng tải 673.500 DWT, tương đương 10% năng lực đội tàu quốc gia) thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam nhưng không còn khả năng khai thác.
Trong đó, có 7 tàu (gồm Hoàng Sơn 28, Hoa Sen, Diamon Way, New Phoenix, Sea Eagles, New Horizon, Cái Lân 4, tổng trọng tải hơn 210.000 DWT) thuộc Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) đang bị chủ tàu bỏ mặc, không cung cấp kinh phí, duy trì an toàn, không đóng các khoản phí theo quy định hiện hành, gây bức xúc trong dư luận. Do đó, cách giải quyết tốt nhất là phá dỡ tàu để thu hồi vốn.
Tuy nhiên, theo quy định của Chính phủ về đăng ký và mua bán tàu biển, 22 tàu mang quốc tịch nước ngoài này không được phép phá dỡ tại Việt Nam. Theo Luật Bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cũng không được phép nhập khẩu phương tiện vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ. Những quy định này đã gây ách tắc trong việc phá dỡ tàu cũ, làm phát sinh tình trạng tàu bị bỏ rơi hoặc phải neo chờ dài ngày trong tình trạng mất an toàn.
Việc phá dỡ 22 tàu biển không có ý nghĩa nhiều về mặt kinh tế, lại ảnh hưởng nhiều về mặt thủ tục pháp lý. Vì vậy, Bộ GTVT chỉ đạo Vụ Vận tải nghiên cứu các khía cạnh pháp lý về môi trường, an ninh, an toàn trước khi báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để có hướng xử lý đối với toàn bộ các tàu biển neo đậu rải rác tại các cảng biển không còn khả năng khai thác.
Theo SGGP Online
|