Lần đầu tiên sau nhiều năm, mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu của ngành thủy sản là con tôm đã không về đích như dự kiến vào cuối năm 2012, chỉ đạt 2,25 tỷ USD, giảm 6,3% so với năm 2011. Bên cạnh ảnh hưởng suy thoái kinh tế, thị trường bị suy yếu, con tôm Việt Nam gặp phải vấn nạn dịch bệnh chết hàng loạt làm người nuôi thua lỗ, doanh nghiệp xuất khẩu khan hiếm nguyên liệu chế biến, phải nhập khẩu và phải vay vốn với lãi suất quá cao, khiến con tôm Việt Nam khó cạnh tranh với các nước.
Không bất ngờ
Những ngày qua các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cũng như người nuôi tôm đều cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận thông tin từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) về quyết định sơ bộ mức thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ giai đoạn từ 1-2-2011 đến 31-1-2012 (POR7). Theo quyết định này, cả bị đơn bắt buộc và bị đơn tự nguyện đều có mức thuế 0%. Trong đó, 2 bị đơn bắt buộc là Minh Phú Seafood Corp và Nha Trang Seafoods có mức thuế 0%. Với các công ty khác tham gia xem xét hành chính giai đoạn này cũng có mức thuế 0%.
Lần đầu tiên trong lịch sử xem xét thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ, DOC công nhận tất cả các DN Việt Nam tham gia không bán phá giá. Như vậy, ròng rã gần 10 năm trời bị ngành tôm của Mỹ kiện và bị áp thuế chống bán phá giá mặt hàng tôm từ Việt Nam, người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong nước đã trải qua biết bao khó khăn cũng như kiên trì để có được sự công nhận này. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, quyết định này không quá bất ngờ.
2 thị trường lớn nhất sản phẩm tôm đông lạnh Việt Nam từ lâu vẫn là Nhật Bản và Mỹ. Năm 2012, Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ hai của Việt Nam sau Nhật Bản với giá trị xuất khẩu trên 454 triệu USD. Như vậy Mỹ chiếm hơn 20% tỷ trọng xuất khẩu tôm của Việt Nam. Tháng đầu năm 2013, với mức tăng trưởng gần 37% so với tháng 1-2012, lượng tôm Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đã vượt qua Nhật Bản, trở thành nước dẫn đầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam. Vì vậy, theo nhiều người nhận xét, quyết định này sẽ mang lại nhiều hy vọng cho các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình thị trường còn đầy khó khăn do ảnh hưởng kéo dài của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như dịch bệnh trên tôm ở Việt Nam nói riêng và khu vực nói chung vẫn chưa thể gọi là yên tâm.
…và lo ngại
Thế nhưng một thông tin khác cũng từ Mỹ, với tỷ lệ 5/1 Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) mới đây đã bỏ phiếu thông qua điều tra vụ kiện chống trợ cấp tôm đối với Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Ecuador. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Việt Nam (VASEP), lấy lý do nghi ngờ tôm nhập khẩu từ nhiều nước nhận các khoản trợ cấp không chính đáng từ chính phủ, Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh của Mỹ đệ đơn lên DOC kiện chống trợ cấp đối với tôm nước ấm từ 7 nước. Vì vậy, phía Mỹ sẽ điều tra tại sao giá tôm từ các nước trên khi bán vào Mỹ lại thấp hơn giá của các công ty nội địa. ITC điều tra các thông số chứng minh ngành khai thác tôm của Mỹ bị thiệt hại trong khi DOC xem xét chính phủ các nước bị kiện có trợ cấp ngành nuôi tôm không. Nếu phán quyết cuối cùng của ITC và DOC là có, thì thuế chống trợ cấp sẽ được áp dụng vào cuối năm 2013.
Rút kinh nghiệm từ 2 vụ kiện chống bán phá giá cá tra và tôm đầu những năm 2000, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ đã nhanh chóng có buổi tham vấn với đại diện Cục Quản lý nhập khẩu thuộc Tổng cục Thương mại Quốc tế (ITA) thuộc DOC. Theo đó, Việt Nam cho rằng, việc khởi xướng vụ kiện chống phá giá và trợ cấp (AD/CVD) nhắm vào sản phẩm tôm đông lạnh Việt Nam nhiều khả năng tác động xấu tới mối quan hệ kinh tế thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Chính phủ Việt Nam sẽ xem xét một cách kỹ lưỡng các lập luận trong đơn yêu cầu điều tra, đồng thời xem xét các lựa chọn pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân nuôi tôm và các doanh nghiệp. Phía đại diện Cục Quản lý nhập khẩu khẳng định Mỹ cam kết sẽ xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng quan điểm của Việt Nam và những nước liên quan khác tới vụ kiện. Đồng thời khẳng định DOC giải quyết vụ kiện này một cách độc lập, không dính tới việc trả đũa hay trừng phạt của bất kỳ vụ kiện nào.
Vấn đề trợ cấp dù ở Mỹ, Việt Nam hay bất kỳ nước nào khác có thể được coi là khoản trợ cấp, song cũng có thể được cho là một sự đầu tư. Do đó khi đầu tư vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy một ngành sản xuất nào đó, một số người có thể cho rằng đó là trợ cấp, người khác thì nhìn nhận đó là sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Đó chính là điều mà Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh của Mỹ khai thác để kiện. Do vậy, dù đó là điều hoàn toàn vô lý nhưng nỗi lo thua kiện là điều hoàn toàn có thể xảy ra đối với ngành tôm Việt Nam và các nước. Đáng ngại hơn khi Việt Nam là nước mà Mỹ có thể xem xét đến 14 nội dung so với Malaysia chỉ xem 8 nội dung, Trung Quốc và Ấn Độ 7 nội dung, Thái Lan 5 nội dung, riêng Indonesia và Ecuador 4 nội dung. Nếu điều e ngại trên xảy ra sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của hơn 600.000 nông dân và những người tham gia trong quá trình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm Việt Nam.
Tại Hội thảo Thị trường thủy sản toàn cầu ở Santa Monica, California (Mỹ), nhiều đại biểu bi quan cho rằng 2013 sẽ là một năm vô cùng khó khăn đối với ngành tôm. Dự báo ngành tôm thế giới 2013 rất ảm đạm. Hội chứng tôm chết sớm (EMS) và thời tiết không thuận lợi đang đe dọa sản lượng tôm nuôi. Liên minh Công nghiệp tôm vùng Vịnh cáo buộc tôm NK nhận trợ cấp từ chính phủ dẫn tới vụ kiện chống trợ cấp. Ngoài ra, chi phí lao động tăng đang tạo thêm sức ép lên biên độ lợi nhuận của ngành.
Theo SGGP