Bộ Công Thương cho rằng nếu tính giá cơ sở bình quân 30 ngày thì mức giảm của giá xăng dầu thế giới là chưa đáng kể
Theo diễn biến gần đây, giá xăng dầu thế giới có chiều hướng sụt giảm, nhất là khoảng 1 tuần nay. Nếu như thời điểm ngày 25-2, giá xăng A92 trên thị trường thế giới xấp xỉ 130 USD/thùng thì hiện đã giảm xuống còn khoảng 126,420 USD/thùng. Tuy nhiên, theo một vị đại diện Bộ Công Thương, hiện chưa đủ điều kiện để giảm giá xăng dầu trong nước.
Không thể phản ứng tức thời theo giá thế giới (!?)
Vi đại diện này giải thích: “Nếu tính giá cơ sở bình quân 30 ngày thì mức giảm của giá thế giới là không đáng kể. Nguyên nhân là do thời điểm giữa tháng 3, giá xăng dầu thế giới duy trì ở mức cao - trên 130 USD/thùng - nên mức giảm bình quân vẫn chưa đủ thấp để đặt vấn đề giảm giá trong nước”.
Giải thích về việc giá xăng dầu trong nước không giảm theo đúng tín hiệu thị trường thế giới, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng quan điểm điều hành giá theo đúng Nghị định 84 là giá trong nước phản ánh xu hướng giá thế giới, không phải phản ứng tức thời.
Theo ông Quyền, tâm lý thị trường thường là thấy xăng dầu thế giới giảm giá thì muốn giảm tức thì, còn khi giá tăng thì lại không muốn tăng. Do vậy, hiện nay, khó đặt vấn đề chu kỳ tính giá dài hay ngắn. Bởi vì khi giá thế giới giảm, chu kỳ hiện nay được coi là dài do phản ứng chậm với giá thế giới nhưng đặt vấn đề ngược lại, khi tăng giá thì vấp phải phản ứng từ người tiêu dùng.
Trong khi đó, quan điểm điều hành giá của liên bộ Tài chính - Công Thương là tránh để hiện tượng tăng sốc ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng và gây tăng lạm phát. Do vậy, trong nhiều trường hợp, liên bộ phải sử dụng đến những công cụ để kìm giá như xả quỹ, cắt giảm hoa hồng cho đại lý…, như 3 lần kìm giá gần đây nhất. Còn trong trạng thái bình thường, phải làm sao để giá trong nước phản ánh đúng giá thế giới.
Chỉ sốt sắng xin tăng giá
Theo ông Quyền, xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên doanh nghiệp (DN) phải chia sẻ với xã hội. Ngược lại, xã hội cũng phải chia sẻ với khó khăn của DN. Trong giai đoạn kìm giá trước và sau Tết Nguyên đán, để giảm lỗ cho DN, các đại lý đã bị cắt giảm chiết khấu hoa hồng xuống còn khoảng 150 đồng/lít, thậm chí không có chiết khấu. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, các DN đầu mối phải tăng mức chiết khấu cho đại lý lên 250-300 đồng/lít, thậm chí 400-500 đồng/lít.
Ông Quyền cho biết khi giá xăng dầu giảm thì DN vẫn phải tiêu thụ nốt lượng hàng đã nhập lúc giá tăng cao nên vẫn chưa thể có lãi trở lại. Hơn nữa, hiện nay, giá thế giới đang giảm nên có thể cơ quan quản lý sẽ yêu cầu DN trích lập quỹ trở lại và giảm xả quỹ bình ổn. “Khôi phục lợi nhuận định mức tối thiểu cho các DN và đại lý kinh doanh xăng dầu là quan điểm điều hành giá của liên bộ Tài chính - Công Thương cũng như tinh thần của Nghị định 84” - ông Quyền nói.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng điểm “dở” nhất của Nghị định 84 là không tạo sức ép buộc DN phải giảm giá. Trước nay, các DN thường rất sốt sắng chứng minh lỗ lã để được tăng giá chứ ít khi nói đang có lãi để xin giảm giá. Thậm chí, DN có thể sử dụng một số “công nghệ” để giải thích cho việc chậm giảm giá. Ngoài ra, với quy định tính giá cơ sở bình quân 30 ngày, để biết DN lãi, lỗ thế nào đòi hỏi phải có các số liệu cụ thể về giá mua - giá bán, mức trích lập quỹ, các chi phí khác… Với các số liệu này, ngoài giải trình của các DN, cần phải có kiểm toán Nhà nước xác định lãi, lỗ thực.
Doanh nghiệp vẫn than lỗ
Theo một DN xăng dầu đầu mối phía Nam, sau khi giá thế giới giảm, DN này đã tăng mức thù lao hoa hồng cho đại lý lên 600 đồng/lít xăng. Hiện nay, mức lỗ của DN giảm xuống 1.600 đồng/lít xăng và đã bắt đầu trích lập quỹ bình ổn trở lại do quỹ đã cạn kiệt sau thời gian dài sử dụng. DN này cho rằng sắp tới, nhiều khả năng Bộ Tài chính sẽ có quyết định giảm mức xả quỹ. DN vẫn phải tự gánh phần lỗ nên rất khó để cân đối kinh doanh và làm ăn có lãi trở lại. |
Theo Người Lao Động