Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Vũ Huy Hoàng trong cuộc gặp với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 18/3 tại Hà Nội.
Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định, Anh hiện là đối tác hàng đầu của Việt Nam trong các lĩnh vực như viện trợ ODA, thương mại, giáo dục và hợp tác kỹ thuật đồng thời cũng là một trong những thành viên EU có đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam và chúng tôi mong muốn Chính phủ Anh tiếp tục khuyến khích các DN của mình đầu tư vào Việt Nam nhiều hơn nữa.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2012 giữa Việt Nam và Anh đạt khoảng 3,57 tỷ USD, tăng 17,45% so với năm 2011. Trong đó, giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt 3,03 tỷ USD, tăng 26,49%; giá trị nhập khẩu của Việt Nam từ Anh đạt 542,16 triệu USD, giảm 16%.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Anh năm 2012 là điện thoại và linh kiện đạt 948 triệu USD, giày dép đạt 501 triệu USD, dệt may đạt 451 triệu USD, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đạt 187 triệu USD, hải sản đạt 107 triệu USD, máy vi tính và linh kiện đạt 251 triệu USD, cà phê đạt 80 triệu USD, sản phẩm từ chất dẻo đạt 86 triệu USD,... Việt Nam nhập khẩu từ Anh các sản phẩm như máy móc và thiết bị đạt 172 triệu USD, dược phẩm đạt 73 triệu USD, thuốc trừ sâu đạt 44 triệu USD, sản phẩm hoá chất đạt 40 triệu USD, phế liệu sắt thép đạt 33 triệu USD,...
Đánh giá cao những kết quả hợp tác kinh tế của hai nước, ông Tony Blair cho biết, cá nhân ông và Văn phòng cựu Thủ tướng Tony Blair (OTB) sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ Việt Nam trong 3 lĩnh vực ưu tiên.
Đầu tiên là hỗ trợ và tư vấn cá nhân của ông Tony Blair dành cho lãnh đạo của Việt Nam với các vấn đề liên quan tới quản lý hiện đại, điều hành và tham gia cam kết quốc tế. Thứ hai, với trọng tâm là các hoạt động hợp tác kỹ thuật, OTB sẽ hỗ trợ các nỗ lực cải cách kinh tế - xã hội của Việt Nam trong 4 lĩnh vực cụ thể là cải cách doanh nghiệp Nhà nước, thu hút đầu tư, quan hệ đối tác công – tư và phát triển khu vực tư nhân. Thứ ba, OTB sẽ hỗ trợ đưa ra ý kiến chuyên môn và bí quyết về thể chế, cùng với việc chia sẽ kiến thức với Chính phủ Việt Nam về các chủ đề như giáo dục đại học và đào tạo nghề, thay đổi khí hậu, hội nhập quốc tế.
Đối với Bộ Công Thương, ông Tony Blair nhấn mạnh, chúng tôi mong muốn hỗ trợ Bộ Công Thương trong các vấn đề như hợp tác công tư và thu hút đầu tư nước ngoài, cải cách doanh nghiệp Nhà nước và hội nhập quốc tế. Trong quá trình mở cửa, Việt Nam đã đi được một chặng đường dài xuyên suốt hơn 20 năm qua và rõ ràng các nhà lãnh đạo Việt Nam muốn đưa Việt Nam phát triển vượt bậc hơn và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ và đóng góp một phần trong đó.
Tại cuộc hội đàm, hai bên tiếp tục đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với những dự án mà Bộ Công Thương và OTB sẽ hợp tác trong tương lai. Theo đó, phía bạn sẽ hỗ trợ tư vấn cho Việt Nam trong quan hệ với Ủy ban EU, về các nội dung trong quá trình đàm phán FTA Việt Nam-EU và khả năng thúc đẩy việc EU công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đánh giá tác động của Hiệp định FTA (nếu được ký kết) đối với việc phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Bên cạnh đó, OTB sẽ hỗ trợ Bộ Công Thương trong việc phát triển nguồn lực quản lý tại các cơ quan Bộ, cũng như giúp cho việc đào tạo hướng nghiệp, đào tạo giáo viên dạy nghề tại các trường đại học và cao đẳng công nghiệp thuộc Bộ.
Đặc biệt, Sở giao dịch hàng hóa của Việt Nam mới hình thành và, hầu như chưa có kinh nghiệm và OTB, với kinh nghiệm bề dày sẽ tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam từ việc thực hiện, quản lý tới khung pháp lý đối với loại hình hoạt động này./.
Theo Báo Đối ngoại Vietnam Economic News