Ấn phẩm kinh tế thường niên quan trọng nhất của ADB, báo cáo Triển vọng Phát triển Châu Á 2013 (ADO 2013), được công bố ngày 09/4 đã dự báo mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Châu Á đang phát triển sẽ là 6,6% trong năm 2013 và 6,7% trong năm 2014. Trong năm 2012, khu vực đã tăng trưởng 6,1%.
Báo cáo cảnh báo rằng các rủi ro chính trị đi liền với tranh cãi xung quanh trần nợ công của Hoa Kỳ, sự mệt mỏi xung quanh những biện pháp kinh tế khắc khổ tại khu vực đồng euro và những căng thẳng kéo dài xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Châu Á là những đe dọa chủ yếu cho triển vọng trong ngắn hạn. Báo cáo cũng lưu ý rằng tình hình tài khóa thuận lợi của khu vực không phải là một yếu tố đương nhiên, cùng với vấn đề cải thiện hiệu quả nguồn thu, quản lý nhà nước tốt hơn và các vấn đề về cơ cấu dài hạn khác cần phải được giải quyết.
Báo cáo cũng dự đoán rằng các hoạt động kinh tế mạnh mẽ hơn sẽ kích thích sức ép mới lên giá với việc lạm phát sẽ tăng từ 3,7% trong năm 2012 lên 4% trong năm 2013 và 4,2% trong năm 2014. Áp lực này hiện vẫn có thể kiểm soát được, tuy nhiên cần phải giám sát một cách chặt chẽ, đặc biệt là khi nguồn vốn chảy vào khu vực tăng lên làm dấy lên lo ngại về khả năng tạo ra bong bóng trên các thị trường tài sản.
Trong các tiểu vùng, Đông Á có tốc độ tăng trưởng được dự báo cao nhất: 7,1% trong năm 2013 và năm 2014. Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, được dự đoán sẽ tăng trưởng 8,2% trong năm 2013 dựa trên nhu cầu nội địa tăng và xuất khẩu được cải thiện và tốc độ tăng trưởng này sẽ tạo ra những lợi ích lan tỏa tới các nền kinh tế láng giềng khác. Tăng trưởng sẽ giảm nhẹ xuống 8% trong năm 2014 khi chính phủ tiến hành các biện pháp nhằm giảm áp lực đối với môi trường và giải quyết sự bất bình đẳng về thu nhập.
Nam Á sẽ có sự đảo chiều sau hai năm tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm nhẹ, với tăng trưởng được dự báo ở mức 5,7% trong năm 2013 và 6,2% trong năm 2014. Ấn Độ sẽ dẫn đầu xu hướng này, với mức tăng trưởng được dự báo là 6,0% và 6,5% nhưng nền kinh tế có dân số lớn thứ hai thế giới này vẫn tiếp tục vật lộn để khai thác tối đa tiềm năng của mình trong bối cảnh các vấn đề về chính sách và cơ cầu đang cản trở đầu tư.
Đông Nam Á là khu vực duy nhất có tốc độ tăng trưởng năm 2012 cao hơn năm trước. Khu vực được thúc đẩy bởi sự phục hồi tại Thái Lan và chi tiêu công tăng mạnh ở Philippines. Lực đẩy này dự kiến sẽ còn tiếp tục trên cơ sở tiêu dùng vững mạnh, đầu tư tăng và thương mại trong khu vực tăng, phát triển với tốc độ tăng trưởng GDP năm 2013 dự kiến là 5,4% và năm 2014 là 5,7%. Báo cáo cho rằng mốc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015 sắp tới sẽ mở rộng trao đổi thương mại nội khối với sự tham gia của các nền kinh tế năng động, góp phần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
THỦY NHI