|
Mặc dù Việt Nam và Lào có mối quan hệ rất thân thiết nhưng hiện nay, hàng Việt sang Lào chỉ chiếm khoảng 16,4% tổng kim ngạch nhập khẩu của quốc gia này. Do đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đưa kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Lào đạt 2 tỷ USD năm 2015 và 5 tỷ USD năm 2020.
Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Lào cho biết thị trường Lào được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng cho hàng Việt. Những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào đã tăng mạnh, đạt mức bình quân 23%/năm, trong đó năm 2012 đạt 866 triệu USD, gấp hơn 2 lần so với năm 2008 (đạt 422,7 triệu USD), trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tăng mạnh (53,3%), nhập siêu giảm 87,5% so với năm 2011. Hiện nay, những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Lào là sắt thép, xăng dầu, phương tiện vận tải, phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng, than đá, rau quả, hàng dệt may, dây điện và dây cáp điện, trong đó nổi bật là xăng dầu và sắt thép (năm 2009 chiếm 36,6%, 2010 chiếm 37,8%, 2011 chiếm 42,4%, 2012 chiếm 49% kim ngạch nhập khẩu từ Việt Nam của Lào).
Kinh tế Lào tuy đã phát triển, GDP tăng ổn định trong một thời gian dài nhưng nền kinh tế còn nhỏ, kinh tế ở một số địa phương vùng núi vẫn mang tính tự cung tự cấp, lạc hậu, cơ sở hạ tầng giao thông kém phát triển; Luật pháp, cơ chế chính sách còn nhiều bất cập chưa được sửa đổi kịp thời. Bên cạnh đó, các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước Việt Nam - Lào chưa phát triển hỗ trợ cho giao thương hai nước. Hiện nay, DN xuất khẩu vẫn phải làm từ A-Z, từ thu mua hàng hóa, vận chuyển, giao nhận đến việc tổ chức tiêu thụ trên thị trường. Sự hiện diện của DN Việt Nam tại Lào ngày càng nhiều trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế, dịch vụ của Lào, tuy nhiên, mạng lưới phân phối hàng hóa Việt Nam tại Lào chưa được hình thành. Điều này thể hiện tính liên doanh liên kết giữa DN sản xuất với thương mại, giữa các DN thương mại với nhau còn yếu. Một số chính sách hỗ trợ DN tiếp cận thị trường chưa phù hợp với đặc thù của thị trường Lào, như hỗ trợ tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức giao thương, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Do dung lượng nhập khẩu của thị trường Lào hạn chế, vì vậy các DN Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu sang Lào. Theo đó, cần nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, đa dạng hóa cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, trong đó chú trọng việc đấu thầu các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, dự án công nghiệp, khai khoáng, dự án nông, lâm nghiệp và các dự án phát triển xã hội của Lào.
Ngoài ra, nhiều trung tâm dịch vụ quá cảnh hàng hóa, nhiều tuyến đường giao thông trong nước và kết nối với các nước có chung biên giới đang được xây dựng. Tính đến nay, đã có 5 cây cầu được xây dựng qua sông Mê Kông nối Lào với Thái Lan. Đây là cơ hội tốt cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các nước có chung biên giới với Lào. Các DN cũng cần liên doanh liên kết với các DN Lào, đặc biệt là các DN của kiều bào để thiết lập hệ thống kho bãi, kênh phân phối hàng hóa Việt Nam tại Lào. DN cũng nên tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, giao thương, khảo sát tại thị trường Lào; cải tiến mẫu mã, bao gì, nhãn hiệu phù hợp với phong tục tập quán người tiêu dùng, đặc biệt là hướng dẫn sử dụng hàng hóa bằng tiếng Lào.
Cộng đồng người Việt Nam tại Lào đã được hình thành từ lâu đời, là một trong những cộng đồng ngoại kiều đông nhất tại Lào, sống tập trung tại thành phố Vientiane, miền Trung và miền Nam Lào. Hầu hết các địa phương của Lào đều có cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Theo thống kê không chính thức, hiện nay có khoảng 30.000 người Việt đang làm ăn sinh sống tại Lào.
Kiều bào tại Lào phần đông là những người lao động, đa số là buôn bán và làm nghề thủ công, dịch vụ, sửa chữa với hình thức, quy mô vừa và nhỏ; một số ít tham gia kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, du lịch... Hầu hết, các doanh nhân Việt kiều đều sử dụng thông thạo tiếng Lào, tiếng Việt và tiếng Thái Lan. Bên cạnh đó, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đều có quan hệ mật thiết với cộng đồng người Việt Nam, doanh nhân Việt Nam tại Thái Lan.
Được chính quyền sở tại quan tâm, tạo mọi điều kiện trong cuộc sống, nhờ vậy doanh nghiệp kiều bào Lào ngày càng phát triển trong nhiều lĩnh vực như: phát triển nông nghiệp, xây dựng, công nghiệp chế biến, sửa chữa máy móc, may mặc, xuất nhập khẩu, buôn bán tại nội địa.
Để thúc đẩy hàng Việt vào thị trường Lào, Hội các DN Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Lào đã được thành lập, tập hợp các DN kiều bào, các DN Việt Nam hợp tác, đầu tư tại Lào để cùng nhau trao đổi kinh nghiệm trong kinh doanh sản xuất. Ngoài ra, người Việt Nam ở Lào còn được tổ chức thành hội, tỉnh hội, chi hội... Đây là cầu nối tích cực cho các DN trong nước mở rộng thị trường xuất khẩu không chỉ vào Lào mà còn vào các nước có chung biên giới với Lào.
Theo Bộ Công Thương
|