"Bộ Công Thương đang phối hợp với Ba Lan xúc tiến thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam - Ba Lan. Đây sẽ là điều kiện tạo ra bước đột phá mới trong quan hệ kinh tế giữa hai nước", Vụ phó Vụ Thị trường châu Âu, Bộ Công Thương nhận định.
Ba Lan luôn là bạn hàng quan trọng của Việt Nam về thương mại tại khu vực Trung - Đông Âu. Trong số các nước Đông Âu đã gia nhập EU thì Ba Lan luôn là đối tác lớn nhất. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều năm 2012 đạt xấp xỉ 492 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 328,2 triệu USD, giảm 26,3% so với năm 2011. Kim ngạch nhập khẩu đạt 163,7 triệu USD, tăng 31,8%.
Trong 3 tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt 118,2 triệu USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan đạt 79,8 triệu USD, giảm 32,1% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch nhập khẩu đạt 38,4 triệu USD, giảm 7,2%.
Nếu xem xét kỹ thì sự sụt giảm trong năm 2012 và đầu năm 2013 chủ yếu do mặt hàng điện thoại và linh kiện. Năm 2011, xuất khẩu mặt hàng này sang Ba Lan có sự tăng trưởng đột biến, từ giá trị không đáng kể trước đó tăng lên 156,5 triệu USD. Sang năm 2012, xuất khẩu chỉ còn 44,1 triệu USD và 3 tháng đầu năm 2013 thì hầu như không còn xuất khẩu mặt hàng này sang Ba Lan.
Về đầu tư, đến tháng 3/2013, Ba Lan có 10 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký là khoảng 100 triệu USD, đứng thứ 40 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Nhìn chung các DN Ba Lan chưa có nhiều thông tin về thị trường Việt Nam bằng thông tin về các nước khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan... Tuy nhiên, thời gian gần đây Ba Lan, cũng như một số quốc gia Đông Âu khác, có xu hướng tìm kiếm cơ hội và thúc đẩy hợp tác với Việt Nam mà họ coi là một đối tác bạn bè truyền thống và giàu tiềm năng.
Để giới thiệu nhiều hơn về Việt Nam với các đối tác Ba Lan, theo tôi cần có một số giải pháp cụ thể. Thứ nhất, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, trao đổi thông tin, tư vấn với các đối tác Ba Lan nhằm đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch... Tăng cường giao lưuDNđể thực hiện công tác khảo sát, nghiên cứu thị trường, đặc biệt là theo chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia.Kết hợp các chuyến khảo sát với tổ chức các diễn đàn, hội thảo kinh tế, thương mại Việt Nam - Ba Lan.
Thứ hai, đẩy mạnh việc tham gia các hội chợ, triển lãm ngành hàng của Việt Nam tại Ba Lan của các DN Việt Nam theo Chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia. Có thể nói hình thức này mang lại hiệu quả cao nhất trong các hình thức xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, tiến hành mang hàng hóa sang Ba Lan tổ chức các cuộc triển lãm riêng của Việt Nam, giới thiệu hàng hóa với các DN nhập khẩu và người tiêu dùng nước sở tại. Một số nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan... đã thực hiện hình thức này và thu được kết quả tốt. Có thể hợp tác với các trung tâm thương mại của người Việt ở Ba Lan trong các hoạt động này để giảm bớt chi phí tổ chức.
Quy mô thị trường Ba Lan khá lớn với sức mua ngày càng cao, nhu cầu hàng hóa đa dạng, trong đó nhiều mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, nông sản, hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, chúng ta có thuận lợi là chủ trương thúc đẩy hợp tác Việt Nam - Ba Lan của các cơ quan quản lý nhà nước hai nước.
Ngoài ra, cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường buôn bán giữa hai nước. Vị trí địa lý của Ba Lan cũng rất hấp dẫn, có thể là địa bàn trung chuyển hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác trong khu vực.
Tuy nhiên, khó khăn cho các DN Việt Nam là khoảng cách địa lý xa và DN Ba Lan chưa có nhiều thông tin về thị trường Việt Nam, chưa phát huy hết các tiềm năng giữa hai nước.Năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam với các nước khác còn hạn chế.
Ba Lan là thành viên EU nên số lượng các quy định và những yêu cầu của thị trường về an toàn, sức khỏe, chất lượng, môi trường và các vấn đề xã hội đang tăng lên nhanh chóng. Gắn với đó là nguy cơ bị kiện chống bán phá giá, về chống trợ cấp và những rào cản kỹ thuật khác, gây khó khăn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
FTA song phương Việt Nam - EU nếu được ký kết sẽ đem lại lợi ích kinh tế không nhỏ cho cả Ba Lan với tư cách là một quốc gia thành viên EU và Việt Nam.
Về thương mại, thực tế hiện nay chỉ 42% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% (kể cả các mặt hàng thuộc Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP). Tỷ lệ này của Malaysia và Philippines hiện là 80-85%. Nếu có FTA song phương, tỷ lệ hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng thuế suất 0% của EU nhiều khả năng sẽ tăng lên ít nhất là 90% (tức là tăng hơn hai lần so với mức hiện hành).
Về đầu tư, việc thiết lập FTA với EU sẽ thúc đẩy đầu tư trực tiếp từ EU, trong đó có Ba Lan vào Việt Nam. Việt Nam có cơ hội trở thành địa bàn trung chuyển, kết nối cho hoạt động thương mại và đầu tư của Ba Lan tại khu vực ASEAN.
Năm 2012, Vụ Thị trường châu Âu – Bộ Công Thương đã hoàn thành đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Nghiên cứu, đề xuất các biện pháp khuyến khích DN Việt Nam phát triển thương mại và đầu tư sang nền kinh tế chuyển đổi tại Đông Âu". Ba Lan là một trong số những thị trường được lựa chọn của đề tài này.
Vụ Thị trường châu Âu cũng đang nghiên cứu tổ chức chương trình khảo sát thực tế tại Ba Lan và một số nước Đông Âu nhằm triển khai các giải pháp của đề tài này.
Ngoài ra, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với phía Ba Lan xúc tiến thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế Việt Nam - Ba Lan. Ủy ban sẽ xác định những lĩnh vực trọng tâm cần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, trong đó có các lĩnh vực công nghiệp (cơ khí chế tạo, khai khoáng, thực phẩm, xử lý rác thải), năng lượng, đào tạo nhân lực...
Với gần 40 triệu dân, Ba Lan là nước có quy mô dân số và kinh tế lớn nhất trong số các nước Đông Âu đã gia nhập EU. Kinh tế Ba Lan tăng trưởng ổn định, chủ yếu nhờ nhất quán thực hiện chính sách chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, tăng cường quan hệ kinh tế với các nước khu vực EU, Nga và SNG, thu hút được đầu tư nước ngoài cao và được EU trợ giúp về tài chính. Có thể nói, Ba Lan là thị trường nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương