UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT trang bị hệ thống kiểm soát tải trọng đối với các loại xe tải để xử lý vi phạm
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TPHCM như xa lộ Hà Nội, Quốc lộ 1A, Tỉnh lộ 25 B…, tình trạng xe chở quá tải, quá khổ vẫn vô tư lưu thông. Đây là nguy cơ xảy ra những vụ tai nạn giao thông và làm đường sá mau xuống cấp.
Khó xử lý
9 giờ ngày 22-5, trên xa lộ Hà Nội đoạn từ ngã ba Cát Lái đến cầu Đồng Nai, cứ vài chục phút lại có vài xe container chất đầy hàng, có xe chở cồng kềnh vươn ra khỏi thùng xe lưu thông trên đường. Máy quay của phóng viên ghi nhận xe tải 57M-1375 chất đầy những thanh sắt, vượt ra khỏi thùng xe chạy ào ào. Nối đuôi là xe tải BKS 57L-5312 chất đầy ống sắt lớn nhưng chỉ được ràng buộc sơ sài. Không những thế, tài xế còn cho xe lấn tuyến để vượt xe đi trước, rất nguy hiểm cho người đi đường.
Trên Quốc lộ 1A đoạn qua các quận Bình Tân, 12, Thủ Đức, tình trạng xe chở quá khổ, quá tải lưu thông trên đường cũng diễn ra. Ngày 10-5, có mặt tại khu vực gần Trường ĐH Nông Lâm, trong vòng 1 giờ, chúng tôi chứng kiến gần chục xe chở quá khổ lưu thông trên đường. Để tránh lực lượng CSGT và thanh tra giao thông, một số tài xế cho xe rẽ vào Làng ĐH Thủ Đức, sau đó ra đường 621 để đi về Đồng Nai...
Theo quan sát của chúng tôi, dù lực lượng CSGT liên tục ra quân xử phạt nhưng việc xử lý các xe vi phạm rất nhiêu khê bởi không thể yêu cầu tài xế hạ tải tại chỗ vì sẽ gây ùn tắc giao thông.
Chặn từ cảng
Trước thực trạng trên, UBND TPHCM vừa chấp thuận đề xuất của Sở GTVT trang bị hệ thống theo dõi và kiểm soát tải trọng đối với các loại xe tải, trước mắt là khu vực cụm cảng Cát Lái, nơi có lượng xe tải, xe container ra vào thường xuyên. Theo đó, Sở GTVT sẽ đầu tư hệ thống theo dõi và kiểm soát tải trọng tự động trên tuyến đường Đồng Văn Cống - Nguyễn Thị Định (quận 2) để phục vụ công tác kiểm tra, xử lý xe quá tải ra vào cụm cảng Cát Lái. Hệ thống bao gồm thiết bị cảm biến được đặt dưới mặt đường Đồng Văn Cống (trên làn ô tô) nhằm xác định sơ bộ tải trọng phương tiện trong quá trình lưu thông từ cảng Cát Lái ra.
Ưu điểm của hệ thống này là không bắt buộc phải dừng xe để cân tải trọng, do đó giảm hẳn nguy cơ gây ùn tắc giao thông. Sau khi ghi nhận các xe quá tải, hệ thống cảm biến sẽ chuyển dữ liệu hình ảnh - biển số xe về hệ thống máy tính trung tâm và bảng thông tin điện tử trên đường để thông báo cho lực lượng chức năng yêu cầu phương tiện vi phạm vào khu vực xử lý. Khu vực này dự kiến nằm trên đường Đồng Văn Cống. Đây cũng là nơi lưu giữ các phương tiện vi phạm trước khi lực lượng chức năng yêu cầu phương tiện quay về cảng Cát Lái để hạ tải hoặc tiến hành hạ tải tại chỗ.
Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ được trang bị thêm các camera cố định để quan sát, theo dõi tình hình xe quá tải lưu thông ra vào cảng Cát Lái và tại giao lộ Đồng Văn Cống - Vành đai Đông. Kinh phí đầu tư dự kiến 8 tỉ đồng.
Theo Sở GTVT, sở dĩ phải đầu tư hệ thống này vì xe quá tải lưu thông khiến các tuyến đường Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định, Mai Chí Thọ bị lún cục bộ và trồi nhựa mặt đường. Do số lượng phương tiện quá nhiều (hơn 10.000 lượt xe/ngày đêm ra vào cảng Cát Lái) và thiếu mặt bằng để hạ tải tại chỗ nên cơ quan chức năng gặp khó khăn rất nhiều trong việc xử lý xe quá tải.
Theo Người Lao Động