Số liệu mới nhất về xuất nhập khẩu, nhập siêu 5 tháng qua của Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu cao hơn, nhập siêu thấp hơn so với ước tính trước đây.
Xuất, nhập khẩu 5 tháng/2013 theo số liệu mới nhất (tỷ USD)
Nguồn: Tổng cục hải quan
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu cao hơn số liệu ước tính trước đây về kim ngạch tuyệt đối (50,65 tỷ USD so với 49,94 tỷ USD), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước (tăng 16,7% so với tăng 15,1%). Đó là một tin mừng, vì xuất khẩu đã đạt quy mô cao hơn và tăng với tốc độ cao hơn, vì xuất khẩu là lối ra của các nền kinh tế đang phát triển, nhất là trong điều kiện tồn kho đang là một điểm nghẽn lớn, trong điều kiện kinh tế toàn cầu có những diễn biến phức tạp, phục hồi chậm và chưa ổn định...
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở cả 2 khu vực- khu vực kinh tế trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI so với khu vực kinh tế trong nước đã cao hơn cả về quy mô tuyệt đối (33,54 tỷ USD so với 17,11 tỷ USD), cả về tốc độ tăng so với cùng kỳ năm trước tăng cao hơn (26,3% so với 1,6%).
Theo đó, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI cao gấp đôi so với khu vực kinh tế trong nước (66,2% so với 33,8%). Đối với kim ngạch nhiều loại hàng hoá xuất khẩu, khu vực FDI còn chiếm tỷ trọng cao hơn, như dầu thô 100%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 99,6%, điện thoại các loại và linh kiện 99,1%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 98,2%, thuỷ tinh và các sản phẩm từ thuỷ tinh 93,4%, phương tiện vận tải và phụ tùng 93,1%, máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác 88,3%...
Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI tăng cao cũng là một niềm vui, bởi khu vực này cũng là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, việc tăng thấp và tỷ trọng ngày một giảm của khu vực kinh tế trong nước là điều đáng quan tâm. Khu vực kinh tế trong nước đang có xu hướng bị cạnh tranh, làm giảm thị phần mua hàng ở trong nước và giảm thị phần xuất khẩu ra nước ngoài- đó là một cảnh báo cần thiết đối với khu vực kinh tế trong nước; đồng thời Nhà nước cần quan tâm hỗ trợ khu vực này về cơ chế, về vốn liếng..., nếu không các doanh nghiệp trong nước bị yếu đi và đây sẽ là thời cơ để các nhà đầu tư nước ngoài thâu tóm.
Tăng trưởng xuất khẩu đạt được ở nhiều mặt hàng chủ yếu. Trong 40 mặt hàng chủ yếu được thống kê tổng hợp, có 30 mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó có những mặt hàng tăng khá cao hoặc những mặt hàng có kim ngạch lớn, như điện thoại các loại và linh kiện tăng 113,5%, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 41,1%, kim loại thường và sản phẩm tăng 36,9%, hàng rau quả tăng 31,3%, túi xách, ví, va li, mũ và ô dù tăng 22,1%, hàng dệt may tăng 17,4%... Sau 5 tháng đã có 20 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, trong đó có 11 mặt hàng đạt từ 1 tỷ USD trở lên.
Tuy nhiên, vẫn có 11 mặt hàng kim ngạch bị giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó đáng lưu ý có một số mặt hàng giảm lớn hoặc có kim ngạch lớn, như cà phê giảm 20,4%, gạo giảm 5,6%, than đá giảm 15%, xăng dầu các loại giảm 39,3%, phân bón các loại giảm 19,2%, cao su giảm 24%, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 30%, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 1,7%, thuỷ sản giảm 1,5%,... Giá xuất khẩu một số mặt hàng bị sụt giảm, làm giảm kim ngạch xuất khẩu (dầu thô, cao su, quặng và khoáng sản, than đá, gạo, hạt điều...).
Chỉ với 11 mặt hàng do giá giảm đã làm giảm 879 triệu USD, bằng 10,5% kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng này, tương đương với khoảng 18,5 nghìn tỷ đồng. Riêng 4 mặt hàng nông sản (cao su, gạo, hạt điều, hạt tiêu) do giá giảm đã làm giảm 263 triệu USD, bằng 8,5% kim ngạch xuất khẩu của những mặt hàng này, tương đương với trên 5,5 nghìn tỷ đồng; đáng lưu ý đây là năm thứ 2 liên tiếp giá nông sản xuất khẩu bị sụt giảm.
Về thị trường xuất khẩu, trong khoảng 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu trong 5 tháng đầu năm 2013 có 36 thị trường đạt trên 100 triệu USD, trong đó có 14 thị trường đạt từ 1 tỷ USD trở lên (cao nhất là thị trường Mỹ, đạt 8,85 tỷ USD, Nhật Bản 5,29 tỷ USD, Trung Quốc 4,95 tỷ USD, Singapore 1,04 tỷ USD, Ấn Độ 1,02 tỷ USD).
Số liệu mới nhất cho thấy nhập siêu tháng 5 chỉ còn 548 triệu USD và tính chung 5 tháng là 1.203 triệu USD (số ước tính nhập siêu là 1.923 triệu USD, trong đó tháng 5 lên tới 1.200 triệu USD). Theo đó, áp lực cán cân ngoại thương giảm, áp lực lên tỷ giá cũng không còn lớn. Chính vì vậy, tỷ giá VND/USD tháng 5 chỉ tăng 0,21%, tính chung 5 tháng chỉ còn tăng 0,55%.
Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ
|