|
6 tháng đầu năm 2013, Thanh Hóa vẫn trong nhóm các tỉnh có sản xuất công nghiệp (SXCN) tăng trưởng cao của cả nước. Dự kiến, chỉ số SXCN toàn tỉnh ước tăng 7,88%, GTSXCN ước đạt 12.546 tỷ đồng, tăng 14 % so cùng kỳ. Đặc biệt, dịch vụ thương mại tăng trưởng nhanh về giá trị mậu dịch trên cả 2 lĩnh vực: xuất nhập khẩu và thương mại nội địa.
Do chiếm ưu thế về công nghệ, thị trường nên khu vực kinh tế FDI vẫn tăng trưởng dẫn đầu so với cùng kỳ, tăng 21,2%; khu vực kinh tế Nhà nước tăng trưởng 11,3%; khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 10,8%.
Xuất khẩu tăng trưởng nhanh, chủ lực là các doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực may mặc, giầy thể thao. Tổng giá trị xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 430,318 triệu USD, bằng 52,5% kế hoạch. Trong đó, xuất khẩu chính ngạch giữ vai trò chủ đạo, đạt tăng trưởng 49,7%. Toàn tỉnh có 89 doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu 37 chủng loại mặt hàng sang 31 nước trên thế giới. Các doanh nghiệp của Thanh Hóa đã tận dụng tốt ưu đãi từ các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường: ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... Một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ như: Dăm gỗ 86.755 m3, tăng 2,3 lần; hàng may mặc 29,68 triệu sản phẩm, tăng 2,01 lần; giầy thể thao 13,4 triệu đôi, tăng 21,6%; xi măng 349,6 triệu tấn, tăng 34,48 lần...
Nhập khẩu hàng hóa cơ bản đáp ứng được nhu cầu máy móc thiết bị cho các dự án đầu tư, nguyên phụ liệu, vật tư cho sản xuất và hàng tiêu dùng phục vụ đời sống. Tổng giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2013 ước đạt 171,818 triệu USD, tăng 35,5% so cùng kỳ. Một số mặt hàng tăng chủ yếu gồm: Nguyên vật liệu sản xuất thuốc tân dược tăng 11,2%; vải và phụ liệu may mặc tăng 80,5%; phụ liệu giầy tăng 1,2% so với cùng kỳ...
Thị trường hàng hóa và dịch vụ nội tỉnh tương đối bình ổn, thông suốt, không phát sinh các yếu tố ảnh hưởng xấu. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 23.894 tỷ đồng, tăng 18,1% so cùng kỳ.
Những tháng cuối năm, Thanh Hóa sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch năm 2013 như: Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; Tập trung khơi thông và đẩy mạnh hoạt động thị trường nội địa, xuất khẩu; Tăng cường công tác kiểm soát giá cả thị trường; Thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp, hạ tầng, kinh doanh thương mại...
Theo Bộ Công Thương
|