Việt Nam có rất nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường Kenya bởi đây là cửa ngõ về thương mại và tài chính của khu vực Châu Phi.
Kenya là một đất nước nằm ở phía Đông của Châu Phi, đây là cửa ngõ về thương mại và tài chính của khu vực. Theo Bộ Công thương, Việt Nam đang có nhiều cơ hội xuất khẩu vào thị trường này.
Thêm vào đó, Kenya sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu hàng hóa vào các nước thuốc khu vực Châu Phi, khu vực có dân số đông, nhu cầu đa dạng. Tuy nhiên doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu thông tin và chưa có điều kiện để khai phá thị trường đầy tiềm năng này.
Mấy năm gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam với thị trường này có tốc độ tăng trưởng nhanh. Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam xuất khẩu sang Kenya ngày càng được mở rộng với 27 sản phẩm chính. Sáu tháng đầu năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Kenya đạt 24,9triệu USD.
Trong số các mặt hàng Việt Nam xuất sang Keyna, gạo luôn giữ vị trí số 1, chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, máy vi tính, sản phẩm điện ...Ngoài ra các mặt hàng như vật liệu xây dựng, thủy hải sản... cũng có nhiều triển vọng tăng kim ngạch vào thị trường này.
Ông Nguyễn Bá Hải, Trưởng phòng Thông tin và tư vấn DN (Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) cho biết, tiềm năng xuất khẩu sang Kenya nói riêng và các nước Châu Phi nói chung rất to lớn, bởi vì thị trường này hầu hết các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu được khi sang đó thì thị trường đều có thể tiêu thụ và chấp nhận được hàng hóa của Việt Nam. Đặc biệt là thị trường Kenya. Năm 2011, Việt Nam mới xuất khẩu được hơn 1 triệu USD. Sang năm 2012 chúng ta đã xuất khẩu được trên 80 triệu USD, một tốc độ tăng trưởng rất là nhanh. Trong đó các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Kenya đó là các mặt hàng như gạo, máy tính, linh kiện điện tử, sản phẩm chất dẻo.
Kenya nằm bên bờ Ấn Độ Dương, phía bắc giáp Nam Sudan và Ethiopia, phía Tây giáp Uganda, phía Đông giáp Somalia; phía Nam giáp Tanzania. Với vị trí địa lý thuận lợi này Kenya còn là cơ hội giao thương hàng hóa cho các doanh nghiệp. Thông qua thị trường KeynaViệt Nam có thể đưa hàng hóa của mình vào các thị trường khác là thành viên Cộng đồng Đông Phi. Có một điểm thuận lợi là hiện nay các nước là thành viên của cộng đồng này đều có những quy định về xuất nhập khẩu giống nhau.
Theo ông Vincent D.Naidu, Chủ tịch hội đồng thương mại Malaixia – Kenya, Kenya rất hoan nghênh các doanh nghiệp của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Kenya. Thông qua thị trường Kenya, doanh nghiệp xuất khẩu Việt có thể xuất khẩu sang các nước phía đông của Châu Phi như: Burundi, Kenya, Rwanda, Tanzania và Uganda và các nước thành viên. Ở đó dân số sẽ khoảng 130 triệu dân, đấy là một thị trường rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam đưa hàng hóa của mình.
Kim ngạch nhập khẩu hàng năm lên tới hơn 50 tỷ USD, thêm vào đó, hàng hóa xuất khẩu vào Kenya lại không bị đòi hỏi quá khắt khe về chất lượng và mẫu mã sản phẩm. Người dân Kenya lai rất thân thiện và luôn chào đón với những sản phẩm mới. Đây được cho là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm đơn hàng mở rộng thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên vì đây là một thị trường mới nên chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm, chính vì vậy mà các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin thị trường này.
Cũng theo ông Vincent D.Naidu, đây là một thị trường mới, họ rất thích các sản phẩm mới đến từ các nước. Không phải chỉ riêng thị trường Kenya mà tất cả các nước thuộc khu vực đông Châu Phi, họ rất chào đón đối với những sản phẩm mới. Theo tôi khi xuất khẩu vào thị trường Kenya không có một rào cản nào quá lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, các bạn chỉ cần xuất khẩu những mặt hàng đủ chất lượng vào Kenya thì không có vấn đề gì. Về luật lệ chung về xuất khẩu của cộng đồng các nước Đông Phi, chính vì vậy các doanh nghiệp cần lưu ý tìm hiểu kỹ những quy định này.
Còn ông Nguyễn Bá Hải khuyến cáo, những khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường Kenya nói chung và thị trường Châu Phi nói riêng là quãng đường vận chuyển rất xa trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam rất thiếu thông tin về các đối tác có năng lực của Kenya và Châu Phi, nhiều khi là các doanh nghiệp không hiểu nhau về mặt giao dịch thương mại cũng như là những khác biệt về văn hóa.
Theo InfoTV