Nếu như cách đây vài tháng, chênh lệch giá chào xuất khẩu gạo giữa 4 quốc gia bán nhiều gạo trên thế giới gồm Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan có lúc vượt 100 đô la Mỹ/tấn, thì hiện khoảng cách này được kéo giảm xuống rất nhiều.
Cụ thể, một nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, cho biết hiện gạo 100% B của Thái Lan (tương đương gạo 5% tấm của Việt Nam) và 5% tấm của Ấn Độ được chào bán đồng giá 415 – 425 đô la Mỹ/tấn. Trong khi đó, giá chào xuất khẩu đối với loại gạo 5% tấm của Việt Nam và Pakistan đều ở mức 380 - 390 đô la Mỹ/tấn.
Như vậy, rõ ràng hiện chênh lệch giữa giá chào xuất khẩu của quốc gia có mức cao nhất và quốc gia có mức thấp nhất (cùng loại gạo) chỉ còn 35 đô la Mỹ/tấn. Riêng giá chào xuất khẩu của Việt Nam thấp hơn của Thái Lan và Ấn Độ 35 đô la Mỹ/tấn nhưng ngang với giá của Pakistan (cùng loại gạo).
Nguyên nhân dẫn đến biên độ chênh lệch giá chào xuất khẩu được rút ngắn do quốc gia có giá xuất khẩu cao (Ấn Độ, Thái Lan) hạ giá bán xuống, còn những quốc gia có giá thấp thì nâng giá lên (Việt Nam, Pakistan).
Việc giá gạo giữa các quốc gia xuất khẩu lớn "nhích" lại gần nhau, cho thấy mức độ cạnh tranh trong tìm kiếm hợp đồng mới giữa các nước cũng được rút ngắn, hay nói cách khác cơ hội bán được gạo giữa các nước là gần ngang nhau.
Về diễn biến thị trường trong nước, một số thương nhân kinh doanh lúa gạo tại ĐBSCL, cho biết hiện giá gạo được các doanh nghiệp xuất khẩu ở thị xã Sa Đéc (Đồng Tháp), quận Thốt Nốt (Cần Thơ) và chợ đầu mối lương thực Bà Đắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) mua vào tiếp tục tăng 100 đồng/kí lô gam so với mức giá cách đây 2 ngày (10-10), trong khi giá lúa vẫn ổn định như trước đó.
Cụ thể, lúa IR 50404 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp vẫn giữ nguyên ở mức 4.400 – 4.500 đồng/kí lô gam. Đối với gạo nguyên liệu của giống IR 50404 có giá 6.900 – 7.000 đồng/kí lô gam và 7.100 – 7.200 đồng/kí lô gam đối với gạo nguyên liệu của những giống hạt dài như OM 4218, OM 5451, OM 1490..., tăng 100 đồng/kí lô gam so với mức giá ngày 10-10.
Theo TBKTSG