Trong khuôn khổ hoạt động của Hội nghị lần thứ 11 về cảng biển và vận tải biển ASEAN được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM, ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải (Bộ Giao thông - Vận tải) cho rằng, Tuy còn nhiều bất cập và quy mô thị trường dịch vụ logistics còn nhỏ (khoảng 2 - 4% GDP), nhưng ngành logistics tại Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao (20 - 25%/năm)...
"Hội nghị là cơ hội để mỗi quốc gia trong ASEAN tìm kiếm những điều kiện, khả năng phù hợp để hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết với Việt Nam trong lĩnh vực dịch vụ vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ logistics", ông Nhật nói.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), hoạt động logistics (dịch vụ thương mại gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi...) của Việt Nam hiện đứng thứ 53/155 quốc gia và vùng lãnh thổ, với nguồn thu chiếm 15 - 20% GDP. Con số hấp dẫn này đã thu hút các doanh nghiệp trong nước cùng các tập đoàn hàng hải lớn trên thế giới như APL, Mitsui OSK, Maerk Logistics, NYK.
Với lợi thế của mình, tuy số lượng ít, nhưng doanh nghiệp nước ngoài chiếm tới 70% thị phần ngành logistics, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chỉ đáp ứng dịch vụ đơn giản, hoạt động manh mún, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ, qua nhiều trung gian, đại lý. Nhiều doanh nghiệp thực chất là làm thuê cho các hãng nước ngoài.
Sự yếu thế của doanh nghiệp nội còn bộc lộ ở thực chất hoạt động, chỉ có gần 10% doanh nghiệp thực sự cung cấp các dịch vụ logistics. Hiện rất nhiều chỉ số cho thấy, lĩnh vực logistics của Việt Nam, bao gồm chi phí chứa hàng trong chuỗi cung ứng, tỷ lệ vận chuyển và bốc dỡ hàng, tiếp cận nguồn nhân sự quản lý logistics, xử lý các giấy phép và thủ tục thông quan trong thương mại quốc tế... vẫn còn yếu hơn so với Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia châu Á phát triển.
Tuy còn nhiều bất cập và quy mô thị trường dịch vụ logistics còn nhỏ (khoảng 2 - 4% GDP), nhưng ngành logistics tại Việt Nam vẫn hứa hẹn nhiều tiềm năng với tốc độ tăng trưởng cao (20 - 25%/năm)...
Việt Nam đang dần hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics hậu cần sau cảng. Hiện nay, cả nước có 42 cảng biển loại 1, loại 2 với 401 cầu bến, gồm 212 bến tổng hợp container và 189 bến chuyên dụng. Cảng biển Việt Nam có thể nhận tàu tổng hợp, tàu container lên đến 80.000 - 100.000 DWT và đang nghiên cứu thử nghiệm đón tàu có trọng tải 150.000 DWT tại khu vực Cái Mép - Thị Vải...
Ngoài hệ thống cảng biển, Việt Nam đã xây dựng một số cảng cạn để cung cấp các dịch vụ xếp dỡ, thu gom, đóng gói làm thủ tục xuất nhập khẩu. Nhiều trung tâm logistics lớn được hình thành và đang khai thác hiệu quả, như Trung tâm Phân phối Hiệp Phước (TP.HCM), các trung tâm logistics tại Khu công nghiệp Sóng Thần 1 (Bình Dương) và Tiên Sơn (Bắc Ninh)...
Cùng với đó là đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực hàng hải, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược phù hợp với pháp luật Việt Nam và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Hiện Việt Nam đã gia nhập 22 công ước, hiệp định quốc tế và các nghị định thư, ký kết 22 hiệp định hàng hải song phương và 25 thỏa thuận về công nhận chứng chỉ chuyên môn hàng hải với nhiều quốc gia...
"Mục tiêu sau năm 2020, ngành kinh tế hàng hải Việt Nam sẽ đứng đầu trong các ngành kinh tế biển, đóng góp 53 - 55% tổng GDP cả nước", ông Nhật cho biết.
Theo Báo Đầu tư điện tử