Ngày 21-12-2013, Viện Logistics Viết Nam (VIL) cùng Tạp chí Chủ hàng Việt Nam (VietnamShipper) đã tổ chức buổi tọa đàm “Tổn thất hàng hóa trong tai nạn va tàu và trách nhiệm của các bên liên quan” nhằm giúp các chủ hàng cập nhật và nắm bắt những kiến thức cần thiết liên quan đến vấn đề này.
Tham dự buổi tọa đàm có ông Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC); luật sư Võ Nhật Thăng, một trong những luật sư kỳ cựu của VIAC trong lĩnh vực thương mại hàng hải quốc tế; bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Phòng bồi thường thuộc Công ty bảo hiểm AIG Việt Nam; ông Vũ Như Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Giám định Quốc Gia; cùng đại diện của nhiều doanh nghiệp logistics, chủ hàng…
Luật gia Vũ Xuân Phong, Phó Chủ tịch Trung Tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết “Thương mại hàng hải ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng. Tai nạn hàng hải cũng theo đó cũng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, khi xảy ra tai nạn hàng hải khiến các chủ hàng bị tổn thất hàng hóa, các chủ hàng Việt Nam thường chưa nắm chắc quyền cũng như trách nhiệm của các bên trong việc bồi thường tổn thất nên gây khó khăn cho việc xử lý và dễ bị thua thiệt”.
Theo công ước quốc tế có điều khoản miễn trừ trách nhiệm của chủ tàu,gần như 100% vụ tai nạn hàng hải là do trách nhiệm của thuyền trưởng, hoa tiêu… nên chủ tàu không phải chịu trách nhiệm về tổn thất hàng hóa trên tàu. Cũng theo công ước quốc tế, trách nhiệm bồi thường hiện nay được xác định chéo, tức là tàu này bồi thường tổn thất hàng hóa và tài sản cho tàu kia dựa trên trách nhiệm lỗi của mình và ngược lại.
Luật sư Võ Nhật Thăng cho biết khó nhất trong việc xử lý trách nhiệm của các bên là xác định lỗi gây ra tai nạn. Việc này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Ông lấy ví dụ một vụ tàu Việt Nam bị tàu của Lybia đâm chìm tại kênh đào Panama mà ông từng tham gia giải quyết. Vụ việc lúc đầu tưởng chừng như tàu Việt Nam hoàn toàn không có lỗi nhưng sau 8 năm điều tra, khởi kiện cuối cùng xác định nguyên nhân tàu chìm có đến 52% lỗi của tàu Việt Nam do tàu cũ nên khi va chạm đã không đảm bảo an toàn nên bị chìm. Như vậy, tàu nước ngoài chỉ phải bồi thường 48% tổn thất hàng hóa và tài sản trên con tàu của Việt Nam.
Để bảo vệ quyền lợi của các chủ hàng, ông Nguyễn Như Hoàng, Phó Giám đốc Công ty CP Giám định Quốc Gia cho rằng khi xảy ra tổn thất trong va chạm tàu biển, các chủ hàng cần chủ động bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc nhanh chóng khai báo tổn thất của mình cho đơn vị bảo hiểm, người vận chuyển và cảng vụ… để trên cơ sở đó các cơ quan này có biện pháp bảo vệ quyền lợi cho mình.
Đồng tình với quan điểm trên, bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Phòng bồi thường thuộc Công ty bảo hiểm AIG Việt Nam có lời khuyên với các chủ hàng khi xảy ra tổn thất trong va đâm tàu cần liên lạc ngay với các công ty bảo hiểm để được hướng dẫn các thủ tục yêu cầu bảo hiểm cần thiết. Việc chủ hàng hợp tác tốt với công ty bảo hiểm như cung cấp các chứng từ liên quan và thông tin về tổn thất sẽ giúp ích rất nhiều cho việc bồi thường thiệt hại. “Chậm nhất trong vòng 3 ngày phải gửi thông báo tổn thất đến các bên liên quan. Đồng thời không chấp nhận các trách nhiệm và nghĩa vụ với các bên liên quan mà không có sự đồng ý của công ty bảo hiểm”, bà Vân nhấn mạnh.
Thanh Long
Một số hình ảnh tại buổi Tọa đàm