Giá cá ngừ vằn đông lạnh tại Bangkok vẫn cao đạt 2.300-2.400 USD/tấn. Đầu tháng 6/2013, giá giảm xuống 2.150 USD/tấn. Theo chuyên gia, giá đã giảm xuống mức thấp nhất và có thể tăng trở lại trong thời gian ngắn.
Nhu cầu sashimi và cá ngừ không đóng hộp vẫn thấp năm 2013 ở thị trường tiêu thụ lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, nhu cầu các mặt hàng này ở Mỹ (thị trường quan trọng thứ hai) vẫn tốt.
Nguồn cung giảm
Thời tiết xấu và các dòng biển mạnh ảnh hưởng tới sản lượng khai thác cá ngừ ở Ấn Độ Dương. Nguồn cung cá ngừ ở Đông Thái Bình Dương cũng không cao mặc dù các nhà chế biến ở Ecuador đang có nhu cầu mạnh khi giá cá ngừ nguyên liệu thấp hơn ở Bangkok trong vài tháng qua. Điều này tạo lợi thế cho các nhà sản xuất ở Mỹ Latinh nhất là ở thị trường EU. Với nhu cầu tăng, giá cá ngừ vằn tại tàu ở Manta ổn định ở mức 2.150-2.200 USD/tấn. Giá FOB cá ngừ vằn tại Seychelles tăng lên 1.670 USD/tấn và giá cá ngừ vây vàng 10kg cũng tăng lên 2.400 EUR/tấn.
Sản lượng khai thác ở Tây Thái Bình Dương giảm do lệnh cấm khai thác sử dụng các thiết bị dò cá (FAD) được áp dụng từ 1/7 đến 31/10/2013. Một số tàu nghỉ để bảo trì trong thời gian đóng cửa ngư trường.
Dự báo sản lượng cá ngừ sashimi mắt to khai thác ở Ấn Độ Dương sẽ thấp hơn do ngư dân chuyển sang khai thác cá ngừ albacore ở khu vực nước lạnh hơn ở phía nam Thái Bình Dương.
Đối với cá ngừ vây xanh Đại Tây Dương, mùa khai thác của các nước EU ở Địa Trung Hải bắt đầu từ 10/6/2013. Hạn ngạch năm 2013 (7.548 tấn) của các nước EU đã được khai thác hết trước tháng 6/2013.
Xu hướng thị trường
Từ đầu năm 2013, thị trường sashimi ở Nhật Bản không hấp dẫn các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài. Nguyên nhân có thể là do đồng yên suy yếu. Hoạt động khai thác cá ngừ ven biển cũng không phát triển mạnh do giá nhiên liệu tăng. NK giảm ngay cả đối với các mặt hàng phổ biến như philê và thăn cá ngừ đông lạnh.
Thị trường cá ngừ không đóng hộp ở Mỹ, nhất là cá ngừ thăn và cắt miếng đông lạnh đã ổn định mặc dù giá NK trung bình tăng. Thị trường cá ngừ đóng hộp sôi động hơn. So với năm 2012, thị trường cá ngừ hộp ở EU hoạt động tốt.
Các nhà sản xuất cá ngừ đóng hộp ở Châu Á vẫn duy trì được công suất hoạt động mặc dù giá cá ngừ vằn nguyên liệu tăng. Trong khi người tiêu dùng ở các thị trường lớn thích nghi chậm với giá cá ngừ hộp cao hơn. Nhu cầu cá ngừ hộp được cải thiện nhờ sản phẩm được cải tiến và nhiều chương trình khuyến mãi được áp dụng bởi các siêu thị.
Nhật Bản
Năm 2013, các tàu khai thác cá ngừ chế biến sashimi giảm khai thác tại các vùng nước ven bờ do giá trị đồng yên Nhật giảm và chi phí nhiên liệu tăng. Điều này cũng làm ảnh hưởng tới khai thác tại các ngư trường xa bờ. Trong quý 1/2013, lượng cá ngừ cập cảng giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng cập cảng cá ngừ vằn tăng 46%. Trên thị trường cá ngừ sashimi, cá ngừ vằn Nhật Bản phổ biến và có giá thấp hơn so với cá ngừ thịt đỏ như cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to.
Mùa lễ hội diễn ra vào tháng 4 – 5 hàng năm là thời điểm tiêu thụ sashimi cá ngừ đạt cao nhất tại Nhật Bản. Tuy nhiên, năm 2013 kinh doanh cá ngừ trên thị trường bán buôn giảm so với mức tiêu thụ thông thường trong tháng 5. Năm tháng đầu năm 2013, kinh doanh cá ngừ vây xanh khai thác tại Nhật và sashimi cá ngừ NK đều giảm so với cùng kỳ các năm trước. Nguồn cung cá ngừ nội địa và NK đều thấp, do giá trị đồng yên giảm so với một số ngoại tệ khác khiến giá NK thủy sản các loại đều tăng từ 20 – 30% so với năm 2012.
Tháng 6/2013, lượng hàng tồn kho các ngừ mắt to Ấn Độ Dương chất lượng thấp giảm 500 tấn so với mức 2.500 tấn hồi tháng 1 – 2/2013. Tuy nhiên, trữ lượng cá hồi vây xanh nuôi của Mexico vẫn ở mức cao 2.500 tấn vì nhu cầu trên thị trường đang chững lại.
Nhu cầu trên thị trường trầm lắng trong tháng 6 là điều bình thường và người tiêu dùng chuyển sang cá ngừ vằn nướng và các thủy sản đúng mùa khác như cá hồi, cá thu và mực ống. Các nhà hàng sushi tiếp tục kinh doanh các loài thay thế như cá hồi và cá thu tẩm ướp. Mạng lưới siêu thị vẫn duy trì mức giá của năm trước đó, dù giá NK tăng mạnh. Trong phân khúc bán lẻ, người tiêu dùng từ chối mua cá với mức giá cao hơn.
So với năm trước đó, NK cá ngừ tươi và đông lạnh trong quý đầu năm 2013 cũng giảm 12% còn 57.528 tấn. NK qua đường hàng không giảm 3%, riêng cá ngừ đông lạnh giảm mạnh hơn 20%. Trừ cá ngừ mắt to, nguồn cung cá ngừ các loại đều giảm, bao gồm cả cá ngừ vằn đông lạnh giảm 69%. Ngoài việc phải thích ứng với giá nguyên liệu cao, các nhà chế biến cá ngừ Nhật Bản còn giảm kích thước hộp cá ngừ xuống còn 70 gam/hộp.
NK thăn cá ngừ vây xanh từ Địa Trung Hải tăng so với năm 2012 do nhu cầu chế biến thăn cá ngừ đông lạnh tăng để kéo dài thời gian bảo quản hơn. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2010, nguồn cung thăn cá ngừ thịt đỏ đông lạnh chất lượng cao giảm so với cùng kỳ năm trước đó. Nguyên nhân cũng do đồng yên suy yếu.
Mỹ
Năm 2012, Mỹ NK hơn 163.000 tấn cá ngừ tươi/đông lạnh, tăng 2,5% so với năm trước đó, chủ yếu do nhu cầu thăn cá ngừ đông lạnh tăng. Tổng giá trị NK đạt 1,06 tỷ USD cao hơn so với 737,94 triệu USD của năm trước đó. Xu hướng tăng nhu cầu cá ngừ không đóng hộp vẫn duy trì trong năm 2013, cả ở 2 mặt hàng cá ngừ tươi và thăn cá ngừ đông lạnh. NK thăn cá ngừ đông lạnh tăng cao, chủ yếu từ các nhà cung cấp tại Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Thái Lan.
Theo vinanet