Sau khi thắng kiện và đòi được thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột do một doanh nghiệp tại Quảng Châu đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc, Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) và tỉnh Đắc Lắc sẽ tiếp tục theo đuổi việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý nhãn hiệu này tại thị trường Trung Quốc và một số thị trường lớn khác.
Tổng thư ký Vicofa cho hay, UBND tỉnh Đắc Lắc đang đề nghị Vicofa hỗ trợ 100 triệu đồng để tiếp tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường Trung Quốc, châu Âu và một số thị trường lớn khác.
Trong thời gian tới, Vicofa cũng sẽ tổ chức một chương trình xúc tiến thương mại tại Thượng Hải, Trung Quốc, trong đó 5 thương hiệu cà phê Việt Nam sẽ tham gia quảng bá thương hiệu và giá trị cà phê Việt tới thị trường này.
Đồng thời, Liên minh châu Âu (EU), một trong những thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam, cũng đang hỗ trợ Việt Nam đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại thị trường EU.
Ngày 2-3, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc) cho biết đã họ chính thức nhận được phán quyết của Bộ Công nghiệp – Thương mại Trung Quốc về việc hủy bỏ nhãn hiệu “Buon Ma Thuot Coffee” mà Công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu (địa chỉ số 1903-1905 Quảng trường Hợp Nhuận, đường Đại Nam, TP. Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc) đăng ký bảo hộ độc quyền tại Trung Quốc.
Theo phán quyết, do “Buon Ma Thuot” là tên địa danh trồng cà phê nổi tiếng ở Việt Nam được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp chứng nhận danh bạ chỉ dẫn địa lý độc quyền vào năm 2005 nên công ty phía Trung Quốc không được đăng ký độc quyền.
Hơn nữa, theo Tổng thư ký Vicofa, do phía công ty Cà phê Buôn Ma Thuột Quảng Châu không nộp đơn khiếu nại lên Tòa án Trung gian sơ thẩm Bắc Kinh – Trung Quốc nên phán quyết trên sẽ có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày 16-2 là ngày đưa ra phán quyết.
Tổng thư ký Vicofa cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa ra Nghị định 209 và Bộ Tài chính cũng đã có Thông tư hướng dẫn, quy định các sản phẩm nông nghiệp (bao gồm các sản phẩm rừng trồng), chăn nuôi, thủy sản, hải sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường…sẽ không chịu thuế VAT.
Như vậy, kể từ 1-4, các sản phẩm sơ chế từ cà phê sẽ có mức thuế VAT bằng 0% và đây sẽ là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn thu mua cà phê ngay từ đầu vụ.
Theo vinanet