Cơ hội cho hàng Việt xuất khẩu vào Liên bang Nga tiếp tục rộng mở khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, tạo nhiều ưu đãi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu.
Là một trong những đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, quan hệ thương mại giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong những năm qua đã có bước tiến vượt bậc. Theo Bộ Công Thương, 3 năm (2010-2013), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga tăng bình quân hơn 62%, Nga trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Nga đạt trên 1,9 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2013. Trong 2 tháng đầu năm 2014, xuất khẩu sang thị trường này đạt 316 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Nga là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng dệt may, giày dép, cà phê, hàng thủy sản, hạt điều, gạo...
Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nga đang khá thuận lợi khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga – Belarus - Kazakhstan đã hoàn thành phiên đàm phán thứ 4 vào tháng 2/2014 và dự kiến kết thúc vào cuối năm 2014. FTA này sẽ tiếp tục tạo những thuận lợi lớn cho các DN xuất khẩu Việt Nam được tiếp cận với một thị trường mới, rộng lớn hơn với nhiều mức thuế ưu đãi. Theo Thương vụ Việt Nam tại Nga, khi FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan hoàn thành, nhiều hàng rào phi thuế quan (thủ tục hải quan, thanh toán hàng hóa, quy định kỹ thuật...) với các thị trường thuộc Liên minh sẽ được gỡ bỏ. Nhiều loại thuế sẽ được cắt giảm. Điều kiện phát triển dịch vụ (bao gồm du lịch, dịch vụ kiều hối...) và đầu tư sẽ thuận lợi hơn.
Nắm bắt được cơ hội này, nhiều DN Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang Nga. Theo Tổng cục Hải quan, năm 2013, hàng dệt may xuất khẩu sang Nga đạt 135,6 triệu USD, tăng 11,02% so với cùng kỳ. Tập đoàn Dệt may cho biết, với dân số gần 143 triệu người, cùng với những ưu đãi thuế quan khi Nga gia nhập WTO và FTA giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan sắp được ký kết, Nga là một trong những thị trường trọng điểm của hàng dệt may xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới.
Tăng trưởng đến 458,73% so với năm 2012, gạo Việt Nam là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất vào thị trường Nga với kim ngạch 41,7 triệu USD. Vài năm trở lại đây, Việt Nam là một trong 7 quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào Nga với tốc độ tăng trưởng rất cao, tuy nhiên kim ngạch chỉ đạt khoảng 6,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nga. Với những ưu đãi thuế quan sắp tới, gạo Việt sẽ có cơ hội vào sâu hơn thị trường này.
Tận dụng cơ hội
Cơ hội đang rộng mở, tuy nhiên, nắm bắt được cơ hội này không phải là điều dễ dàng. Theo ông Phạm Quang Niệm - Tham tán Thương mại -Thương vụ Việt Nam tại thị trường Nga, khó khăn lớn nhất là các DN xuất khẩu Việt Nam là hầu như không có đầu mối giao dịch thương mại tập trung, ổn định tại Nga nên còn bị hạn chế trong việc theo dõi, nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng để kịp thời có điều chỉnh và chiến lược phù hợp. Bên cạnh đó, Nga là thị trường mở, không khó tính nên việc thâm nhập thị trường dễ vấp phải sự cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác có lợi thế tương tự về chủng loại hàng hóa, mẫu mã, giá cả... Ngoài ra, dù là thị trường nhập khẩu lớn nhưng cũng tiềm ẩn đầy rủi ro bởi hệ thống pháp lý của Nga chưa bảo đảm. Cơ chế thanh toán khi làm ăn với đối tác Nga còn khó khăn, đặc biệt là việc thanh toán bằng tín dụng thư (L/C) còn ít phổ biến.
Để chiếm lĩnh tốt hơn thị trường này, theo ông Phạm Quang Niệm, các DN nên tham gia các hội chợ - triển lãm hàng năm để trực tiếp giới thiệu sản phẩm của mình với đối tác Nga bởi DN Nga có đặc điểm là thích tìm kiếm các bạn hàng trực tiếp thay vì tìm thông tin trên các Website. Bên cạnh đó, việc kết hợp với DN Nga để thành lập các xí nghiệp liên doanh chế biến sâu, gia công các sản phẩm Việt tại lãnh thổ Việt Nam và Liên bang Nga để đưa hàng vào Nga cũng là cơ hội tốt cho việc thâm nhập và mở rộng thị trường hàng Việt ở Nga. “Đặc biệt, các DN Việt Nam xuất khẩu hàng Việt vào Nga cần đảm bảo, duy trì chất lượng tốt, cải tiến mẫu mã và nên xây dựng, đăng ký thương hiệu với những mặt hàng đã có uy tín ở Nga” - ông Niệm chia sẻ.
Hiện nay, thu nhập, đời sống của người Nga đã được cải thiện rõ rệt so với trước kia. Theo ông Niệm, loại hàng chất lượng cao, mẫu mã đẹp mắt thường được ưa chuộng và tiêu thụ nhanh hơn. “Hệ thống quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm ở Nga hoạt động khá chặt chẽ. Quan niệm đưa hàng giá rẻ, chất lượng thường vào Nga đã không hợp thời nữa. Đó cũng là điều lưu ý đối với các DN xuất khẩu hàng Việt vào Nga” – ông Phạm Quang Niệm nhấn mạnh.
Hiện nay, FTA Việt Nam và Liên minh hải quan Nga-Belarus- Kazakhstan đã kết thúc phiên đàm phán thứ 4. Phiên thứ 5 dự kiến được tổ chức từ ngày 31/3-4/4/2014 tại Cộng hòa Kazakhstan.
Theo Bộ Công Thương